Sau khi được Tổ đào tạo nghề và dịch vụ việc làm (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Si Ma Cai) tư vấn, giới thiệu, năm 2022, vợ chồng chị Lù Thị Dí (thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng) được nhận vào làm tại một công ty ở tỉnh Bắc Giang. Có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định đã giúp cuộc sống của gia đình chị ngày càng khá hơn.
Chị Dí tâm sự: Công việc của tôi là lắp ráp linh kiện điện tử, không nặng nhọc như làm nông nghiệp, thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, nếu làm tăng ca được khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi tiêu hằng ngày và tiền thuê nhà, hai vợ chồng tích lũy được một khoản gửi về quê cho các con ăn học.
Cũng có công việc ổn định với mức thu nhập cơ bản, chị Lồ Thị Chí (thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng) cho biết: Thông qua Ngày hội tư vấn việc làm do huyện tổ chức, tôi đã tìm được việc làm tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Giang. Sau hơn 1 năm làm việc tại đây, gia đình tôi đã có một khoản tích lũy để sửa nhà, mua sắm các vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt. Mới đây, tôi được công ty chấp thuận ký hợp đồng lâu dài với các chế độ đãi ngộ và mức lương cao hơn trước.
Vừa qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, UBND huyện Si Ma Cai tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm năm 2023 tại xã Cán Cấu và thị trấn Si Ma Cai. Ngày hội có sự tham gia của 6 doanh nghiệp: Công ty TNHH Fushan Việt Nam (Bắc Ninh), Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (Hải Dương), Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (Hải Phòng), Công ty TNHH Sungwoo Vina (Bắc Ninh), Công ty TNHH P.I.T Vina (Hải Phòng) và Công ty TNHH Goertek (Bắc Ninh). Tại ngày hội, người dân được cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, trong số đó có 199 lao động được tư vấn chế độ, chính sách, kỹ năng tìm việc, 22 lao động được giới thiệu vị trí việc làm. Vợ chồng chị Giàng Thị Mỷ (thôn Mù Chèng Phìn, xã Cán Cấu) đã đăng ký và được tuyển dụng vào làm tại Công ty TNHH Goertek (Bắc Ninh). Chị Mỷ bộc bạch: Ở nhà chỉ làm nông nghiệp, thu hoạch nông sản không được nhiều nên vợ chồng tôi cùng đi làm ở khu công nghiệp để có thu nhập tốt hơn.
Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Si Ma Cai cho biết: Để người lao động trên địa bàn huyện nắm kịp thời thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, trung tâm đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng, phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức các cụm tư vấn tại xã. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã tổ chức 13 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phân luồng cho 650 lượt học sinh tại 13/13 đơn vị trường học có cấp THCS trên địa bàn; tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm cho 750 lượt người lao động tại 3 cụm là Sín Chéng, Cán Cấu và thị trấn Si Ma Cai. Năm 2022, huyện Si Ma Cai có hơn 8.000 lao động địa phương đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, từ năm 2021, huyện Si Ma Cai đã thành lập Tổ đào tạo nghề và dịch vụ việc làm (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện). Riêng trong năm 2022, tổ đã tư vấn cho gần 2.000 lượt học sinh lớp 9 và lớp 12 tại 17 trường học; tư vấn, kết nối việc làm cho gần 5.000 lao động địa phương.
Thời gian tới, huyện Si Ma Cai tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp đăng ký nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động địa phương để có định hướng, hỗ trợ người lao động tìm việc làm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp có khả năng thu hút nhiều lao động từ khâu đào tạo, bố trí việc làm, tuyển dụng lao động sau khi đào tạo... góp phần thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.