Do ảnh hưởng sạt lở hầm Chí Thạnh tại Phú Yên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hủy các tàu SE9/SE10 xuất phát từ Hà Nội và TP HCM từ ngày 23/5 đến 29/5.
Ngoài ra, tàu SE42 xuất phát tại ga Nha Trang từ ngày 24/5 đến 29/5 và tàu SE41 rời ga Đà Nẵng từ ngày 25/5 đến 30/5 cũng bị bãi bỏ.
Tàu SE51 xuất phát từ ga Huế ngày 22/5 sẽ chỉ chạy đến ga Diêu Trì (Bình Định), không chạy đoạn từ Diêu Trì đến Nha Trang (Khánh Hòa). Hành khách đã mua vé trên các chuyến này có thể trả hoặc đổi vé không mất phí tại nhà ga.
Hành khách trên các đoàn tàu khác vẫn được chuyển tải bằng ôtô giữa hai ga La Hai (huyện Đồng Xuân) và Tuy Hòa (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) để tiếp tục hành trình. Thời gian chuyển tải khiến hành trình kéo dài thêm 1-2 giờ.
Khoảng 10h15 ngày 21/5, đất đá trong hầm đường sắt Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bất ngờ sạt khoảng 30 m3, sau đó tiếp tục sạt lở lên đến hàng trăm khối. Hai ngày qua, ngành đường sắt đã chuyển tải 24 đoàn tàu với hơn 5.800 hành khách bằng đường bộ qua khu vực sự cố. Hôm nay, 12 đoàn tàu với khoảng 3.000 người cũng phải chuyển tải bằng đường bộ.
Tại hầm đường sắt Chí Thạnh, các đơn vị kỹ thuật đã khoan thăm dò kỹ thuật trên nóc hầm để đánh giá địa chất, từ đó có phương án gia cố. Trong hầm, các công nhân thay phiên nhau phun bêtông vào điểm sạt lở để giữ đất, đá.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án cải tạo đường sắt Bắc Nam), địa chất tại hầm Chí Thạnh phức tạp nên việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Các hầm đường sắt qua khu vực này được xây dựng từ thời Pháp, hầu hết xuống cấp, nguy cơ sạt lở cao.
Gần đây nhất hồi tháng 4, hầm Bãi Gió ở Khánh Hòa sạt lở khiến đường sắt Bắc Nam qua khu vực này tê liệt trong 10 ngày, gây thiệt hại 50,4 tỷ đồng.