Nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh BHYT cho người dân
Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh, có diện tích 64.360 ha; gồm 11 xã và 3 thị trấn (trong đó có 1 xã vùng III và 1 xã biên giới) với 188 thôn, tổ dân phố. Toàn huyện có 112.957 nhân khẩu thuộc 20 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 58%, dân tộc thiểu số chiếm 42%.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn 31 thôn khó khăn, nhận thức của người dân về BHYT, khám - chữa bệnh (KCB) BHYT còn hạn chế; công tác truyền thông về những thay đổi trong chính sách BHYT cho người dân tại các thôn vùng cao còn gặp nhiều khó khăn...
Năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 97,2% dân số (tăng 26,9% so với năm 2009); số lượt KCB BHYT là 119.714 lượt; tổng chi phí KCB BHYT là 58,5 tỷ đồng.
Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong chủ động tham gia BHYT khi không còn sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức thực hiện tốt công tác KCB BHYT theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Qua đó thúc đẩy, nâng cao ý thức tự giác tham gia BHYT của người dân, góp phần duy trì tỷ lệ bao phủ BHYT, sử dụng hiệu quả, an toàn quỹ KCB BHYT trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Quang Úy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng cho rằng: Việc nâng cao chất lượng KCB BHYT tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đó là yêu cầu then chốt để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh trong thời gian tới.
Thời gian tới, huyện Bảo Thắng tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT nhằm phát triển bền vững chỉ tiêu bao phủ BHYT, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2024 đạt 97,5%.
Nhiều giải pháp nâng tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các đơn vị trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về BHYT dưới nhiều hình thức. Năm đầu thực hiện Chỉ thị số 38, tỷ lệ học sinh của tỉnh tham gia BHYT đạt trên 70%, đến thời điểm hiện tại đã có 96,69% học sinh tham gia.
Để phát triển BHYT trong học sinh, sinh viên, ngành giáo dục và đào tạo tổ chức hiệu quả công tác y tế học đường. Đối với những trường đủ điều kiện trích lại 7% tổng thu Quỹ BHYT, sẽ bổ sung trang - thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, vật tư và thuốc thiết yếu tại phòng y tế nhà trường; tích cực thực hiện KCB thông thường, xử trí, sơ cứu chấn thương và tai nạn, tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh học đường…
Thực hiện tốt các biện pháp vận động, hỗ trợ gia đình khó khăn không đủ điều kiện tham gia đóng BHYT. Giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với cha mẹ học sinh lập danh sách, tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường và về những gia đình gặp khó khăn không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm. Ban Giám hiệu tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn tiến hành vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tư nhân ủng hộ cho các đối tượng này bằng hình thức hỗ trợ học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng nghèo của trường bằng hình thức một em được hỗ trợ một thẻ BHYT nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các em chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động đoàn viên, người lao động tham gia BHYT. Đến nay, 100% người lao động là đoàn viên công đoàn đều tham gia BHYT.
Tuy nhiên, số tiền nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn khá cao (hơn 90 tỷ đồng), trong đó một số ít (khoảng 2%) là các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn (Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên, Công ty TNHH Lâm nghiệp huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai...).
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn từ việc chậm, trốn đóng BHYT, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đến đoàn viên, người lao động, chủ các doanh nghiệp; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, người lao động, thu hút sự tham gia tích cực của người lao động và người thân trong độ tuổi lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện chính sách BHYT; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHYT, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận để trục lợi từ tiền đóng nộp BHYT; đề nghị xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh để kịp thời phản ánh đến các cấp, ngành chức năng tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh để từ đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động và thực hiện việc đóng nộp BHYT cho người lao động một cách kịp thời, đúng quy định.