LCĐT - Có người bạn tỉnh xa bảo với tôi, dạo này nhớ Lào Cai, mà thèm lên Lào Cai, lên Tây Bắc lắm, vì không sao quên được vị thảo quả, mắc khén, hạt dổi, vị ớt “chỉ thiên” trong các món ăn đậm đà hương vị núi rừng hay cái cảm giác được ngồi trong lều quán đơn sơ giữa chợ phiên thưởng thức bát thắng cố, nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng... Lâu rồi tôi mới ngược dốc lên Mường Khương - nơi miền cao núi nhọn. Anh bạn công tác ở Mường Khương hồ hởi bắt tay thật chặt rồi bảo, nhà báo lên trên này tác nghiệp chẳng có nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng, hiện đại như dưới phố, chỉ có đặc sản của núi rừng thôi. Nói rồi, anh kéo tay tôi ra chợ phiên Mường Khương, hòa vào dòng người đông đúc, nhộn nhịp những ngày đầu xuân. Chợ phiên đông vui quá, sắc áo thổ cẩm của người Mông, người Pa Dí, người Tu Dí, Thu Lao, Tày… xen lẫn tạo thành một rừng hoa rực rỡ. Khu ẩm thực lúc nào cũng đông người, tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả bên những chiếc bàn ăn bằng gỗ đơn sơ, mộc mạc. Chúng tôi đến một quầy thắng cố, bàn nào cũng chật ních người. Ông chủ quán dáng người thấp đậm, gương mặt béo tốt nhanh tay múc từ trong chiếc chảo to trên bếp mấy bát thắng cố đầy, mùi thơm tỏa ra khiến ai cũng phải xuýt xoa.
![]() |
Đậm đà ẩm thực chợ phiên vùng cao Lào Cai. |
Anh bạn tôi bảo lên Mường Khương mà chưa ăn thắng cố ngựa, uống rượu ngô thì coi như chưa đến Mường Khương. Từ lâu, thắng cố ngựa Mường Khương đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng khắp nơi. Mường Khương nhiều ngựa, không biết từ bao giờ, đồng bào Mông ở đây sáng tạo ra món ăn độc đáo này. Trong một chảo thắng cố, thịt ngựa được thái vuông quân cờ, đun sôi sùng sục cùng những gia vị đặc trưng. Đã là thắng cố thì không thể thiếu các loại hương liệu của núi rừng như thảo quả, quế, địa điền, sả, lá chanh, ớt nướng thơm tán nhỏ. Ngoài ra còn có nhiều loại thảo dược khác đồng bào Mông lấy về từ trên rừng, tất cả được hòa trộn tạo thành một hương vị vừa quen, vừa lạ rất đặc biệt. Mường Khương quanh năm lạnh giá, thắng cố phải ăn nóng mới ngon, ăn đến đâu, múc đến đấy. Người Mông ở Mường Khương ăn thắng cố thường uống rượu ngô và ăn kèm với mèn mén làm từ ngô và canh óc đậu. Mùa đông rét vậy, mà chỉ cần ngồi thưởng thức thắng cố, nhâm nhi chén rượu ngô cay nồng, một lúc mồ hôi đã túa ra, người nóng rực lên… Ngoài thắng cố ngựa, Mường Khương còn nhiều món ngon khác nữa, đó là lạp sườn, thịt lợn sấy, tương ớt thơm cay nổi tiếng cả nước.
Lào Cai có nhiều huyện, xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi nơi lại có nét ẩm thực riêng gắn với quan niệm và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, đặc điểm địa hình, sản xuất của từng vùng miền. Lên Sa Pa giữa cái rét tái tê, sương mù dày đặc, du khách có thể ngồi bên bếp than hồng mà thưởng thức xiên thịt nướng cuốn rau cải địa phương, bắp ngô nướng nóng hổi; vừa ăn, vừa xuýt xoa, hay ngồi bên mâm lẩu cá hồi nghi ngút khói thì không gì tuyệt bằng. Đến với những bản, làng người Tày ở Bảo Yên, vùng đất nhiều sông, suối, “vựa” gia súc lớn, du khách thưởng thức món thịt trâu sấy, cá nướng đậm đà, hay bát canh rau đắng ăn vài lần dễ thành “nghiện”. Rẽ sang Văn Bàn, nơi bát ngát rừng tre, rừng vầu, chủ nhà sẽ cởi mở mời khách nếm món măng sặt, măng bói giòn ngọt, có cả món nem đặc biệt cuốn bằng măng rừng. Ngược sông Chảy lên đến cao nguyên trắng Bắc Hà, du khách sẽ “bị” chinh phục bởi món phở chua, phở trộn của đồng bào dân tộc Nùng và ngất ngây với hương rượu ngô Bản Phố. Ngược dốc lên Si Ma Cai, tìm vào Sín Chéng, món trứng vịt Sín Chéng và thịt gà đen nổi tiếng sẽ níu chân du khách. Bát Xát - vùng đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” lại là xứ sở của các loại “mỹ tửu” được đồng bào dân tộc Dao đỏ ủ bằng men lá rừng, chưng cất theo bí quyết riêng, như rượu thóc San Lùng, Nậm Pung, Sim San. Ngoài ra, ở Bát Xát còn có đặc sản miến dong Bản Xèo, thịt lợn cắp nách, cá suối Mường Hum… Mỗi món ăn mang một dư vị khác nhau, là sản phẩm của bàn tay khéo léo, của bản sắc văn hóa dân tộc, sự thơm thảo mà đất trời ban tặng.
![]() |
Sản vật của địa phương bán tại chợ Bắc Hà. |
Trở lại câu chuyện quanh bàn thắng cố ngựa ở chợ phiên Mường Khương, ngày nay, thắng cố Mường Khương đã nổi tiếng khắp nơi, vượt ra khỏi lòng chảo - nơi núi nhọn này để có mặt ở khắp các điểm du lịch nổi tiếng ở Lào Cai. Trở thành món ăn hút khách của nhiều nhà hàng và không thể thiếu trong các lễ hội đầu năm. Nhiều du khách thập phương rất bất ngờ vì trong các lễ hội xuân ở Lào Cai thường có khu ẩm thực hấp dẫn, đặc biệt là trong khu vực diễn ra Lễ hội Xuân đền Thượng. Các gian hàng bán thắng cố ngựa Mường Khương lúc nào cũng đông chật khách ngồi. Ngoài các gian ẩm thực, bà con người Mông, Giáy, Tày, Dao… từ các bản, làng vùng cao cũng đem xuống lễ hội nhiều sản vật của địa phương, như bánh chưng đen, bánh khảo, cơm lam ống nứa, xôi ba màu, xôi bảy màu... Anh Phùng Minh Tuấn, du khách đến từ Bạc Liêu lần đầu lên Lào Cai không giấu nổi cảm xúc: “Tôi ở miền Tây Nam Bộ chỉ quen với các món ăn từ tôm, cá, bây giờ mới được thưởng thức nhiều món ăn của núi rừng Tây Bắc. Món nào cũng lạ miệng, mà sao thơm ngon thế! Độc đáo nhất là các loại gia vị như thảo quả, hạt mắc khén, hạt dổi, ớt “chỉ thiên”… Mỗi vùng đất có nét văn hóa ẩm thực riêng và Lào Cai - Tây Bắc không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mà đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây cũng thật giàu bản sắc, ẩm thực thật phong phú, hấp dẫn”.
Năm 2017, Lào Cai đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, trong đó, sản phẩm đầu tiên là khai thác du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương. Việc phát huy nét đẹp và sự “giàu có” trong văn hóa ẩm thực của vùng cao Lào Cai sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến các thôn, bản. Tôi còn nhớ trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam từ xa xưa, các cụ đã đúc rút lại rằng “Món ngon nhớ lâu...”, chắc chắn rằng, những món ăn ngon mang đậm hương vị của núi rừng Lào Cai, đậm bản sắc văn hóa, sự cởi mở, gần gũi, chân tình của đất và người Lào Cai - Tây Bắc sẽ khiến du khách không thể nào quên.