Ngày 23/3, tại Hội trường tầng 1, Nhà Văn hóa quận Đống Đa, 22 Đặng Tiến Đông, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tương lai của PR trong kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo.
Tháng 11/2022, công ty Open AI khi công bố sản phẩm Chat GPT đã làm dư luận thế giới chấn động trước sự vượt trội của các ứng dụng của Trí tuệ Nhân tạo dân sự.
Kể từ thời điểm này, Trí tuệ Nhân tạo liên tục làm người ta ngạc nhiên trước khả năng tuyệt vời của chúng cũng như sự xâm nhập sâu vào các ngành nghề sáng tạo vốn được coi trước đây là lãnh địa của riêng con người.
Trí tuệ Nhân tạo đang đặt ra nhiều câu hỏi cùng với vô số ứng dụng bất ngờ của nó.
Hội thảo Tương lai của PR trong kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo được Elite PR School tổ chức là một hoạt động chuyên đề các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, vị trí khác nhau cùng thảo luận về chủ đề có tính thời sự và chiến lược này.
Dù đã xuất hiện từ năm 1956 tại Hội nghị Dartmouth, do nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy đưa ra để mô tả ngành khoa học kỹ thuật tạo ra máy móc thông minh có thể bắt chước hành vi của con người, khái niệm “Trí tuệ Nhân tạo” (AI) chỉ thực sự làm người ta chú ý, sử dụng, thích thú, e ngại và thậm chí lo sợ từ khi Chat GPT được đưa ra sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Kể từ thời điểm này, người ta nói nhiều đến khả năng sáng tạo hình ảnh tĩnh và động của AI; khả năng viết kịch bản, sáng tác thơ, nhạc, bài viết, bài luận trong các lĩnh vực khác nhau; khả năng dự đoán, tiên đoán được hành vi của con người; khả năng xác định, tạo ra những xu hướng trên truyền thông xã hội hoặc tiêu dùng...
Những người trong giới sáng tạo nội dung kinh doanh, truyền thông như người làm Branding, marketing, truyền thông, PR, báo chí, quảng cáo... đang dõi theo các tiến bộ của Trí tuệ Nhân tạo với rất nhiều câu hỏi khi AI không chỉ là một trợ lý mà còn là một người đồng hành, một kẻ cạnh tranh, một người bạn bất ngờ.
Trong sáng tạo nội dung
AI giờ đây có thể tạo ra những câu chuyện hấp dẫn, giúp các thương hiệu kể câu chuyện của họ dễ dàng hơn. Đâu sẽ là sự khác biệt, đâu là những dấu ấn của con người giúp câu chuyện chân thật và mang nhiều ý nghĩa, giá trị hơn?
Trong chăm sóc khách hàng
Các chatbot AI cung cấp hỗ trợ liên tục 24/7, mang lại sự hỗ trợ tức thì và cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Con người nên làm gì để có thể hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn? Nhân văn hơn? Triệt để hơn?
Trong quản lý mạng xã hội
AI tự động hóa lên lịch nội dung và phân tích tương tác, tối ưu hóa các chiến lược để kết nối với đối tượng mục tiêu. Các quản trị viên, thành viên, seeder cần làm gì để câu chuyện trao đổi thực sự là các trao đổi có ý nghĩa, thiết thực, nhân văn chứ không chỉ dừng lại ở ngữ nghĩa bề ngoài?
Trong nghiên cứu thị trường
AI làm thay đổi hoạt động nghiên cứu thị trường, giúp nhanh chóng phân tích và điều hướng các dữ liệu khổng lồ, từ đó phát hiện ra những xu hướng mới quan trọng, mang lại cho doanh nghiệp các lợi thế cạnh tranh.
Con người “đọc” những phân tích này như thế nào và đâu là những tác động đến việc điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp cho phù hợp với thay đổi?
Trong Influencer Marketing
Bằng việc kết hợp một cách chuyên nghiệp các thương hiệu với những người ảo có tầm ảnh hưởng thực, sở hữu đối tượng công chúng thực, AI đưa ra những sự lựa chọn mới. Đâu là mức độ kết hợp phù hợp giữa KOLs, KOCs ảo và người thực? Đâu là giới hạn đạo đức, lòng tin không được vượt qua?
Trong phân tích và dự đoán
AI dự báo xu hướng thị trường và hành vi của người tiêu dùng, tạo ra các chiến lược đặt bạn ở trước các yêu cầu của tương lai. Các phân tích tiên đoán này sẽ được sử dụng như thế nào để không rơi vào bẫy của “lợi nhuận bằng mọi giá”?
Trong sáng tạo hình ảnh và video
AI giúp tạo ra các hình ảnh, bài viết, video, bản nhạc kỹ thuật số một cách dễ dàng. Các nhà sáng tạo sẽ giữ lại những khâu chủ chốt nào và đâu là sự độc đáo làm nên giá trị ý tưởng của con người?
Trong dự báo và Quản lý Khủng hoảng
Vị trí của quan hệ báo chí, với các đối tượng mục tiêu của tổ chức sẽ được duy trì như thế nào để vẫn giữ nguyên được bản chất là “mối quan hệ giữa người với người?”
Để trả lời những câu hỏi này, cuộc thảo luận của 10 vị diễn giả sẽ xoay quanh các câu hỏi và phần thảo luận của 10 diễn giả sẽ mang đến những góc nhìn thú vị về:
1. Sự “tử tế" trong truyền thông, marketing là gì? Đặc biệt, trong thời đại của công nghệ số, mạng xã hội, web 3.0 và AI, sự “tử tế" liệu có đứng vững và có cần phải tiếp tục nói đến, duy trì và phát triển?
2. Văn hóa liệu có bị phá vỡ không, hoặc ít nhất là bị tác động thay đổi, nếu như AI được phát triển đến những giai đoạn tiếp theo nữa nơi AI có thể có một loại hình cảm xúc nào đó và con người cũng có cảm xúc nào đó với AI? Lúc đó, văn hoá và triết lý của doanh nghiệp sẽ biến đổi như thế nào? Liệu chúng ta có thể gìn giữ và tiếp tục lấy văn hoá làm nền tảng quản trị hay không?
3. Những rủi ro nào, hay thách thức nào chúng ta cần quan tâm trong hoạt động quản trị hình ảnh thương hiệu, khi AI ngày càng được ứng dụng nhiều hơn?
4. Chúng ta thử nhìn vào năng lực hiện tại của AI, có thể cả tiềm năng phát triển của nó trong vài năm tới, quý vị nhận thấy những tác động nào của nó, về cả hai phía tích cực và tiêu cực, đối với nghề marketing và truyền thông, PR?
5. AI, dù muốn hay không, cũng đang len lỏi vào mối quan hệ giữa các thương hiệu, tổ chức, doanh nghiệp với đối tượng công chúng của họ. Chúng ta nên đón nhận sự can thiệp này như thế nào? Làm thế nào để nó có ích cho các mối quan hệ đó?
6. Chúng ta nên coi AI là gì đối với những người làm truyền thông marketing - là bạn, hay kẻ thù? là thách thức, mối đe dọa, hay là cơ hội?
7. Người ta nói nhiều về quyền lực hôm nay và tương lai của Trí tuệ Nhân tạo, và những gì AI có thể làm được trong ngày mai. Tuy nhiên, AI đang được ứng dụng trong hoạt động thực tiễn tại Việt Nam như thế nào? Cụ thể trong lĩnh vực marcom.
8. Trí tuệ Nhân tạo đang biến các giao tiếp công nghệ số trở nên “con người” hơn, trong khi bản thân con người chúng ta lại đang ngày càng hành xử vô cảm, lệ thuộc công nghệ, ngắt kết nối và thiếu vắng sự thấu cảm. Phải chăng chúng ta sẽ đối mặt với các hệ luỵ về văn hoá và xã hội hiện tại và trong một tương lai rất gần? Cần làm gì để khắc phục, vãn hồi?
9. Chúng ta hãy nói về vai trò con người trong PR hiện đại. Nếu như chúng ta thống nhất rằng, công nghệ và AI sẽ là những trợ thủ đắc lực cho người làm PR trong tương lai, vậy vai trò của con người sẽ là gì? thay đổi thế nào? Để bắt kịp với người trợ thủ và sử dụng được công cụ AI ngày càng thông minh và ngày càng làm được nhiều việc hơn, con người chúng ta cần làm gì?
10. Trong một thế giới mà chúng ta sẽ phải chung sống hoà bình, cùng sáng tạo, cùng hợp tác và cùng đấu tranh với Trí tuệ Nhân tạo, những giá trị nào nên được coi là nền tảng, hậu thuẫn cho sự tồn tại và phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, tổ chức hay là cá nhân?
Tham gia vào phần thảo luận là các diễn giả:
Giáo sư Phan Văn Trường, sáng lập Hệ sinh thái Cấy Nền, Cố vấn chính phủ Pháp về Thương Mại Quốc Tế Mr. Vũ Anh CEO Cốc Cốc đơn vị đang triển khai AI tiếng việt Mr. Lê Công Thành, chủ tịch và Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Chọn lọc thông tin (InfoRe Technology) Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Hiền, trưởng khoa PR và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Ths Phạm Vũ Tùng, nguyên giám đốc Marketing Piaggio tại Việt Nam, CMO của CNG Group of Companies Tiến sỹ Giáo dục học, Giám đốc Quan hệ quốc tế Á châu - Viện coaching MO2I và Giảng viên - Nghiên cứu viên Đại học Paris Cité và Geneva Nguyễn Thụy Phương Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) Ông Lê Quốc Vinh hiện là Chủ tịch và Tổng Giám đốc Le Group of Companies, Chủ tịch Le Bros và Đồng sáng lập Elite PR School. Tiến sỹ Phan Tất Thứ là chủ tịch KNV Group, Đồng sáng lập Elite PR School Ông Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia Truyền thông Văn hóa, Đồng sáng lập ELITE PR SCHOOL