Đến thăm vườn thuốc của gia đình ông Nguyễn Văn Tơ, thôn Ngòi Cát - một hội viên đã tham gia chi hội từ năm 1994 mới thấy sự phong phú và đa dạng của các loài cây thuốc. Trong vườn thuốc nam nhà ông có trên 200 cây thuốc các loại. Đây là những cây ông Tơ sưu tầm ở nhiều địa phương mang về trồng tại vườn thuốc của gia đình, như cây thuốc dây xanh, soong, tố mộc, khối hoa, kim cang…
Qua trò chuyện mới biết ông nội của ông Tơ là người có khả năng bốc thuốc rất giỏi, chữa được bệnh cho nhiều người. Được ông nội truyền lại các bài thuốc gia truyền, được tham gia lớp tập huấn về bắt mạch, châm cứu, bốc thuốc do Hội Đông y tỉnh Yên Bái tổ chức cộng với tự học các bài thuốc cổ truyền của các ông lang, bà mế ở các tỉnh khác, hiện lương y Nguyễn Văn Tơ đã trở thành địa chỉ tin cậy của rất nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.
Ông chia sẻ: “Để tìm được cây thuốc quý phục vụ chữa bệnh cho bà con, tôi cũng như các hội viên trong chi hội đã tìm nguồn thuốc từ các nơi như: Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai… mang về địa phương trồng và phát triển. Mỗi lần đi như thế là dịp để chúng tôi được học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương có phong trào y học cổ truyền phát triển, đồng thời cũng làm tăng thêm sự đa dạng về thực vật tại địa phương”.
Ban đầu mới thành lập, chi hội có 11 hội viên. Chi hội đã triển khai công tác dùng thuốc nam chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vận động các ông lang, bà mế có các bài thuốc gia truyền, cổ truyền vào hội, tạo điều kiện phát triển các bài thuốc hay, thuốc quý nhằm làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh khám chữa bệnh, Chi hội thường xuyên vận động, khuyến khích các lương y truyền thụ những bài thuốc gia truyền, những kinh nghiệm chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho thế hệ trẻ là những người thân gia đình, cán bộ y tế để áp dụng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đến nay, chi hội đã có 30 hội viên thuộc 4 xã của huyện Yên Bình là: Cảm Ân, Tân Hương, Mông Sơn và Bảo Ái, trong đó có 10 hội viên tuổi đời còn rất trẻ.
Ông Nông Văn Bút - Chi hội trưởng Chi hội Đông y xã Cảm Ân cho biết: “Trước đây các hộ gia đình trồng cây thuốc nam không tập trung. Năm 2009, được sự tài trợ của tổ chức Cordaid Hà Lan, Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hội Đông y tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Dự án “Phát triển và bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa” tại xã thì nhận thức của người dân Cảm Ân nói riêng và cộng đồng nói chung về phát triển, bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình đã biết tận dụng diện tích đất quanh nhà, đất vườn tạp để trồng cây thuốc, từ đó làm phong phú thêm nguồn thuốc và nâng cao thu nhập cho chính các gia đình”.
Có thêm kiến thức về trồng cây thuốc cùng với được hỗ trợ máy nghiền và máy băm thuốc, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ đầu năm đến nay, Chi hội đã khám và chữa cho gần 1.000 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh về cột sống, viêm đa khớp, đau thần kinh tọa, sỏi thận, đại tràng, gan nhiễm mỡ…
Anh Trần Văn Sơn, xã Cảm Ân cho biết: “Tôi bị bệnh đau lưng từ nhiều năm nay, không nằm ngửa được, chỉ nằm nghiêng. Tôi đã uống thuốc được 15 ngày, thấy đỡ đau lưng và làm được một số công việc nhẹ nên tôi sẽ tiếp tục điều trị cho khỏi hẳn. Các lương y ở đây rất nhiệt tình, tận tụy với bệnh nhân, giúp người bệnh chúng tôi giảm bớt lo lắng về bệnh tật”.
Bằng sự nỗ lực trong công tác khám chữa bệnh, Chi hội Đông y xã Cảm Ân đã trở thành địa chỉ tin cậy khám, điều trị bệnh cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Thanh Chi