Ngày 21/9, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bị cáo Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng đồng phạm thực hiện.
Bốn bị cáo đã giúp sức cho bà Hằng gồm: Đặng Anh Quân (Tiến sĩ luật), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam).
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại tòa.
HĐXX đã triệu tập 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên chỉ có bà Đặng Thị Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Vy Oanh, ông Nguyễn Đình Kim và bà Trương Thị Việt Hà có mặt tại phiên tòa.
Các bị cáo phạm tộivới lỗi cố ý trực tiếp
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng ba năm tù về lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Anh Quân bị tuyên phạt 30 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng bị phạt 18 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, trong quá trình giải quyết vụ án chỉ còn bà Đinh Thị Lan và bà Đặng Thị Hàn Ni yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần bằng 10 tháng lương cơ sở (những người khác đã rút yêu cầu - PV) nên HĐXX tuyên bị cáo Hằng cùng đồng phạm phải có trách nhiệm bồi thường cho hai cá nhân này mỗi người 18 triệu đồng.
Trước đó, Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3-4 năm tù, bị cáo Đặng Anh Quân 2-3 năm tù; các bị cáo còn lại cùng bị đề nghị từ 18 tháng đến hai năm tù.
Theo HĐXX, trong khoảng thời gian liên tục từ tháng 3-2021, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội đã phát sóng trực tiếp (livestream) để đưa lên những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin bịa đặt xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của 10 cá nhân gồm: Ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo) và bà Trương Thị Việt Hà.
Bà Phương Hằng mong sớm được về với gia đình
Nói lời sau cùng, bị cáo Hằng nghẹn ngào: “Hôm nay trở thành bị cáo, bị cáo vô cùng ân hận và đau khổ. Suốt 18 tháng bị tạm giam bị cáo đã bỏ qua rất nhiều những dự định, tâm huyết muốn thực hiện như chữa bệnh cho các em nhỏ bị bệnh tim. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bị cáo sớm về với gia đình để giúp nhân dân, giúp đất nước và giúp cho công ty phát triển. Cho bị cáo một cơ hội để trở thành một công dân giúp ích cho xã hội”.
Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân đều mong HĐXX xem xét để sớm về với gia đình. Những người này cũng gửi lời xin lỗi đến các cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Các bị cáo phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, bị cáo Hằng có vai trò chủ mưu. Các bị cáo Nhi, Hà, Tân giúp sức với vai trò hạn chế. Bị cáo Quân tham gia bình luận trong 11 buổi livestream, đã cổ vũ, tiếp thêm ý chí cho bị cáo Hằng nên là đồng phạm giúp sức.
“Khi bị bắt mới biết vi phạm”
Trước đó, là người được tòa xét hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Phương Hằng cho biết nội dung cáo trạng truy tố là đúng. Tuy nhiên, cáo trạng không thể hiện nguyên nhân sự việc xuất phát từ đâu.
Theo bị cáo Hằng, nguyên nhân xuất phát từ câu chuyện làm từ thiện và mình là bị hại trước khi trở thành bị cáo trong vụ này.
“Trong quá trình thực hiện livestream, chồng bị cáo là ông Huỳnh Uy Dũng có can gián nhưng bị cáo không nghe vì bị cáo cho rằng bị cáo không làm gì sai hết. Còn đối với ông Nguyễn Đình Kim tham gia chung với bị cáo là để bảo vệ cho những nạn nhân mà ông Võ Hoàng Yên dùng tâm linh để chữa bệnh.
Thực sự mới đầu không biết bị cáo vi phạm, không biết mình vi phạm Luật An ninh mạng nên đã chủ quan, mãi đến khi bị bắt mới biết mình vi phạm. Bị cáo thực hiện hành vi như cáo trạng truy tố là do không kiềm chế cảm xúc vì bản thân bị rất nhiều người xúc phạm” - bị cáo Hằng cho biết.
Đối với những yêu cầu xin lỗi từ những người liên quan, bị cáo Hằng nói: “Một lời xin lỗi không phải vấn đề nhưng bị cáo đã bị tạm giam 18 tháng, đây là cái giá quá đắt mà bị cáo đã phải trả giá, bị cáo mới là bị hại nên bị cáo không đồng ý xin lỗi những người đã tố cáo”.
Viện kiểm sát: Bị cáo Quân “quên” phản biện bị cáo Hằng
Với những cáo buộc của Viện kiểm sát (VKS) tại cáo trạng, bị cáo Quân cho biết chỉ đồng ý với hành vi cáo trạng đã nêu là tham gia 11 buổi livestream với bà Hằng. Bị cáo Quân cho rằng cáo trạng không nêu ra ý nghĩa, mục đích việc bị cáo tham gia livestream mà chỉ đánh giá hành vi, thấy bị cáo Hằng xúc phạm thì quy kết bị cáo giúp sức cho bị cáo Hằng xúc phạm người khác.
“Mục đích tham gia 11 buổi livestream cùng với chị Hằng là để phản biện những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật tới người nghe. Việc làm của bị cáo giúp gì cho chị Hằng hay không thì bị cáo không biết nhưng việc làm của bị cáo là phản biện xã hội” - bị cáo Quân nói.
Dẫn chứng cho điều này, trả lời câu hỏi từ luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Quân cho biết tham gia phản biện xã hội chung với bà Hằng từ tháng 10/2021.
Bị cáo Quân nêu ví dụ: Trong buổi livestream ngày 24/12/2021, bị cáo đã phân tích cụ thể, chi tiết các yếu tố cấu thành tội phạm của nghệ sĩ Hoài Linh. Trong đó, bị cáo đã khẳng định nghệ sĩ Hoài Linh không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nếu có thì chỉ có thể sẽ bị xử phạt hành chính.
Đối đáp lại, theo đại diện VKS, bị cáo Quân luôn cho rằng mình tham gia với bà Hằng là để phản biện xã hội nhưng bị cáo lại quên mất người gần bị cáo nhất là bị cáo Hằng.
Theo VKS, bị cáo phản biện vấn đề xã hội nhưng lại không phản biện đối với bị cáo Hằng. Bị cáo tham gia 11 buổi livestream với bị cáo Hằng, thấy bị cáo Hằng xúc phạm, vu khống lần một nhưng những lần sau thấy bà Hằng tiếp tục vu khống mà vẫn tham gia. Bị cáo Quân là một tiến sĩ luật, là người có trình độ, có uy tín về pháp luật trong xã hội, việc xuất hiện của tiến sĩ luật trong buổi livestream đã tiếp sức, tạo sự tin tưởng cho bị cáo Hằng.
“Bị cáo Hằng thấy việc mình nói là không sai, không bị ai xử lý. Có cả tiến sĩ luật ngồi cùng thì bị cáo Hằng lại càng tự tin là mình không sai. Trong tội phạm quy định tại Điều 331 có thể có thiệt hại hoặc có thể không có thiệt hại là chuyện hết sức bình thường vì khách thể xâm phạm ở đây là trật tự quản lý hành chính, quản lý xã hội” - VKS nói.
Đối với bị cáo Nguyễn Phương Hằng, VKS cho rằng ngay từ đầu bị cáo Hằng đã khẳng định không quen biết, không có mâu thuẫn với những cá nhân tố cáo. Tuy nhiên chỉ vì những công kích, những bình luận trên mạng xã hội mới xảy ra đôi co qua lại.
Hành vi của bị cáo Hằng đã diễn ra trong thời gian dài. Hiến pháp cho phép công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng bị cáo Hằng đã lợi dụng quyền này để xâm phạm đến hoạt động quản lý trật tự hành chính, trật tự xã hội của Nhà nước, ngoài ra còn xâm phạm đến quyền và lợi ích của một số cá nhân.
HĐXX nói về việc xét xử bà Phương Hằng theo Điều 331
Trước khi phiên xử diễn ra, một số người được tòa xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã có đơn kiến nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng.
Sau khi xem xét, HĐXX cho biết tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thuộc Chương 22 của Bộ luật Hình sự, khách thể của tội phạm thuộc chương này là xâm phạm về trật tự quản lý hành chính nên theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự, 10 cá nhân tố cáo được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là đúng quy định của pháp luật.
Cạnh đó, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của nhiều tội nhưng tội phạm quy định tại Điều 331 là tội nặng hơn so với hai tội còn lại (tội vu khống và làm nhục người khác) nên HĐXX xét xử các bị cáo theo tội phạm nặng hơn.