Ngày này cách đây 60 năm, ngày 20/7/1954, tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), sau 75 ngày đàm phán, đấu trí vô cùng khó khăn, căng thẳng, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết. Lần đầu tiên trong lịch sử, Pháp và các nước lớn phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết Hiệp định Geneva.
Với Hiệp định này, thực dân Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội về Nam vĩ tuyến 17, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng XHCN, trở thành hậu phương to lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thắng lợi quan trọng này là kết quả của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao; minh chứng hùng hồn cho chính sách đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế của Đảng và nhân dân ta.
Có thể khẳng định, Hiệp định Giơnevơ là một bước tiến quan trọng khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước.
Đánh giá về ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định này, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu - chuyên viên quân sự của phái đoàn Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954, khẳng định: Hiệp định đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, mà quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước, kể cả nước Pháp, cam kết tôn trọng. Ông cũng cho rằng, kinh nghiệm đấu tranh trên mặt trận ngoại giao từ Hội nghị Giơnevơ là bài học vô cùng quý giá đối với công cuộc đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hôm nay.