Hành trình “đổi đời” từ mục tiêu đến thực tiễn giảm nghèo - Kỳ 2: “Đòn bẩy” chính sách và những mô hình kiểu mẫu

Từ khát vọng tự lực của người dân, Yên Bái đã khéo léo kiến tạo những chính sách “đòn bẩy”, được “may đo” phù hợp với từng địa phương. Từ dòng vốn “mồi” khơi nguồn ý tưởng, các mô hình sản xuất hiệu quả, đến tất cả đã hợp lực, chắp cánh cho hàng ngàn giấc mơ thoát nghèo bay cao, mở ra một tương lai tươi sáng hơn trên mảnh đất quê hương.
Dòng vốn "mồi” khơi nguồn cho những đổi thay
Trong hành trình dọc ngang những huyện vùng cao, có một điều hằn sâu trong tâm trí tôi, đó chính là vai trò của nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Nó tựa như dòng nước mát lành tưới tắm cho những mảnh đất cằn cỗi, biến những ý tưởng làm ăn còn ấp ủ của người nghèo thành hiện thực. Nó đến đúng lúc, đúng người, tiếp thêm sức mạnh để bà con vững tin cầm cuốc, cầm cày mở rộng sản xuất, quyết tâm dứt nghèo. 
Trong 5 năm 2021-2025, đã có 65.655 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng doanh số cho vay là 4.645 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã trực tiếp đồng hành, giúp sức cho 28.500 hộ nghèo trên toàn tỉnh vươn lên thoát nghèo. Đó là minh chứng cho sự đổi thay diệu kỳ, tiếp sức cho hàng chục nghìn mái nhà thêm ấm, những bữa cơm thêm no và là ánh mắt rạng ngời của con trẻ được cắp sách tới trường. 
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Linh Sơn - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu, trải lòng với một niềm say mê công việc: "Anh em chúng tôi luôn cố gắng đến từng nhà, đặc biệt là hộ nghèo, để lắng nghe, để thấu hiểu và tư vấn gói vay phù hợp nhất. Quan trọng là phải làm sao cho bà con hiểu để dùng đồng vốn cho hiệu quả, không lãng phí. Phải thường xuyên ba cùng ở cơ sở để gỡ khó kịp thời, từ cái thủ tục đến hỗ trợ kỹ thuật ban đầu”. Chính cái tâm và sự sâu sát ấy đã biến đồng vốn chính sách thành động lực thật sự, xóa tan nỗi lo vay mà không biết làm gì của người dân, thắp lên niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. 
Ở thôn 10 của xã Động Quan, huyện Lục Yên, giữa bạt ngàn màu xanh của quế, câu chuyện của ông Triệu Văn May là một minh chứng sống động. Từng là hộ nghèo, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cuộc sống cứ luẩn quẩn trong cái đói, cái nghèo. Nhưng ông May không cam chịu. Ông May thấy được tương lai từ cây quế, loài cây đang mang lại ấm no cho cả vùng. Năm 2020, ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình Hộ nghèo để đầu tư vào rừng quế. Thấy có hiệu quả, năm sau ông vay tiếp 50 triệu nữa để mở rộng. 
Ông May cười hiền, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào: "Cây quế là cây xóa nghèo của vùng này. Nhờ vốn vay mà tôi mới có sức đầu tư ban đầu, rồi chăm cho cây lớn nhanh, chất lượng tốt”. Từ đồi quế xanh mướt, gia đình ông có của ăn của để. Không dừng lại, với tư duy nhạy bén, năm 2023, ông dồn tiền tích lũy, mở thêm một xưởng cơ khí ngay tại nhà. Giờ đây, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà đã có thu nhập ổn định, xây được căn nhà khang trang, vững chãi. Câu chuyện của ông không chỉ là thoát nghèo, mà là hành trình từ thế khó vươn lên làm chủ, kiến tạo tương lai cho chính mình. 
Nhân rộng những mô hình "may đo” vừa vặn
Nếu vốn là dòng nước mát khơi nguồn, thì việc phát triển các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế chính là mảnh đất màu mỡ để khát vọng vươn lên đơm hoa kết trái. Cùng với vốn ưu đãi, Yên Bái đã dồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. 429 dự án với tổng kinh phí 217,5 tỷ đồng đã được triển khai, hỗ trợ trực tiếp cho trên 9.000 hộ gia đình, tạo ra những cú hích mạnh mẽ, đưa nông sản địa phương vươn xa. Tỉnh đã khéo léo xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với lợi thế từng vùng, đúng chất "may đo” theo đặc thù địa phương. 
Trên những triền đồi của các huyện Trấn Yên, Yên Bình, cây tre măng Bát Độ bén rễ xanh mướt, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, giống khoai sọ nương được khôi phục, nâng tầm bằng quy trình canh tác bài bản. Ở Mù Cang Chải, cây lê trái vụ đang trở thành cây chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Những mô hình này không chỉ giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình mà còn tạo ra chuỗi giá trị, mang lại thu nhập bền vững. 
Về thủ phủ dâu tằm Trấn Yên, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Đồng Trạng, xã Báo Đáp là một ví dụ điển hình về sự năng động, dám nghĩ dám làm. Từ 5 sào dâu ban đầu, nay gia đình chị đã có gần 1 mẫu rưỡi, nuôi tằm trên khay trượt quy mô lớn. 
Mỗi năm, gần 9 tạ kén tằm mang về cho chị khoản thu nhập 160 triệu đồng. Nhờ nghề tằm tang, gia đình chị đã thoát nghèo, cất được ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. Đặc biệt, 74 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã được hình thành, tạo ra mối liên kết bền chặt giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp. Điều này không chỉ đảm bảo đầu ra ổn định với giá tốt mà còn giúp bà con tiếp cận quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản quê nhà, mang hương vị núi rừng Yên Bái vươn ra thị trường lớn. Hơn nữa, Yên Bái đã thu hút được 78 dự án đầu tư vào các địa bàn nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn với tổng vốn đầu tư khoảng 10.836 tỷ đồng, một con số ấn tượng, cho thấy sức hút mạnh mẽ của chính sách và tiềm năng của địa phương.
Hành trình “đổi đời” từ mục tiêu đến thực tiễn giảm nghèo - Kỳ 2: “Đòn bẩy” chính sách và những mô hình kiểu mẫu ảnh 1
Cây măng tre Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.
Trao chìa khóa tri thức, mở cánh cửa tương lai
Để giảm nghèo tận gốc, không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 99.504 người, trong đó có 7.278 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Việc "trao chìa khóa” tri thức và kỹ năng này đã thực sự mở ra một chương mới cho cuộc đời họ. 5 năm qua đã có 110.339 lao động đã có việc làm trên toàn tỉnh, trong đó hơn 7.700 lao động nghèo, cận nghèo có sinh kế ổn định. 
Gia đình chị Sùng Thị Sênh ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu là hộ nghèo, cuộc sống trông vào nương rẫy, quanh năm thiếu trước hụt sau. Thế rồi, một cánh cửa đã mở ra nhờ chính sách xuất khẩu lao động của tỉnh. Tháng 11 năm 2024, chị Sênh dũng cảm bước chân đến với nước Nhật để làm công nhân may. Sự chăm chỉ, cần cù của người phụ nữ vùng cao đã được đền đáp xứng đáng. Với mức lương 27 triệu đồng mỗi tháng đã thực sự vẽ nên một tương lai tươi sáng cho gia đình chị. Câu chuyện của chị Sênh là minh chứng sống động rằng, tri thức và kỹ năng, cùng với sự dũng cảm vượt qua thử thách, chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa thoát nghèo bền vững nhất, thắp sáng con đường tương lai cho thế hệ trẻ. Hành trình giảm nghèo còn được tiếp sức bởi sức mạnh của cộng đồng. Hơn 513 tỷ đồng đã được huy động từ xã hội hóa, cho thấy sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
 Nguồn lực ấy đã hóa thành hàng trăm mái nhà vững chãi, thành những ngôi trường, trạm y tế mới, mang lại hơi ấm và hy vọng cho biết bao gia đình. Đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết 61-NQ/TU, những con đường bê tông theo chính sách của HĐND tỉnh đã vươn dài đến những thôn bản xa xôi nhất. Đường không chỉ nối gần khoảng cách địa lý mà còn mở ra cơ hội giao thương, đưa ánh sáng văn minh về với bản làng, thắp lên niềm tin và hy vọng. Tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau được thể hiện rõ nét và ấm áp hơn bao giờ hết.
 Những "đòn bẩy” chính sách hợp với ý chí tự thân của người dân đã vẽ nên một bức tranh giảm nghèo đa sắc, rực rỡ trên khắp các bản làng. Diện mạo mới, sức sống mới đang bừng lên trên những cánh đồng liên kết, trong những homestay rộn rã tiếng cười, từ những sản phẩm OCOP mang hương rừng vươn ra biển lớn. Tuy vậy, con đường phía trước không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Vẫn còn đó những "nút thắt” cần được tháo gỡ để hành trình giảm nghèo thực sự bền vững và toàn diện. Đón đọc kỳ cuối: Điểm nghẽn và bài học để giảm nghèo bền vững.
Văn Thông

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chủ trì buổi tiếp xã giao đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tiếp xã giao đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Sáng 17/7, đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp xã giao đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) do bà Đặng Thụy - Phó Bí thư Huyện ủy, Huyện trưởng Chính quyền Nhân dân huyện Hà Khẩu, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu thí điểm thương mại tự do Trung Quốc (Vân Nam) - phân khu Hồng Hà (Khu hợp tác biên giới Hà Khẩu) làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại tỉnh Lào Cai.

Yên Bình sẵn sàng cho Đại hội điểm Đảng bộ cấp xã

Yên Bình sẵn sàng cho Đại hội điểm Đảng bộ cấp xã

Những ngày trung tuần tháng 7, xã Yên Bình như được tiếp thêm luồng sinh khí mới khi Đảng bộ xã được lựa chọn tổ chức Đại hội điểm cấp xã của tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2025–2030. Đây không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng của địa phương mà còn mang ý nghĩa đặc biệt bởi Yên Bình là đơn vị đầu tiên tổ chức đại hội sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Chính quyền địa phương 2 cấp: Tư duy mới, hành động mới

Chính quyền địa phương 2 cấp: Tư duy mới, hành động mới

Sau hai tuần hợp nhất đơn vị hành chính cấp xã của Lào Cai, các địa phương thực hiện đúng phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, ổn định bộ máy chính quyền và không làm gián đoạn các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cán bộ tận tâm, công việc được giải quyết nhanh gọn và người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn.

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025 thực hiện Nghị quyết 57 - NQ/TW

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025 thực hiện Nghị quyết 57 - NQ/TW

Chiều 16/7, Ban Chỉ đạo Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Lào Cai (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025 thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đưa OCOP trở thành một sáng kiến toàn cầu

Đưa OCOP trở thành một sáng kiến toàn cầu

Chiều 15/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp đoàn các bộ trưởng, quan chức cấp cao về nông nghiệp một số nước châu Phi, châu Á tham dự Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao giữa các khu vực về mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030: Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai nhiều chủ trương và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, qua đó phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và tham gia xây dựng biên giới Lào Cai vững mạnh toàn diện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc quyết liệt chỉ đạo, gỡ "nút thắt" cho Dự án đường dây 500kV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc chỉ đạo giải quyết dứt điểm các "điểm nghẽn", đẩy nhanh tiến độ Dự án đường dây 500kV

Ngày 15/7, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã có buổi kiểm tra thực địa và làm việc tại các xã Cảm Nhân, Yên Thành và xã Thác Bà nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.

fb yt zl tw