Hàn Quốc lo ngại về khả năng đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên

Việc Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol đã làm dấy lên mối lo ngại về sự sẵn sàng của quân đội nước này trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc tại Seoul ngày 14/12/2024 nhằm phê chuẩn dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol liên quan đến quyết định ban bố thiết quân luật. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc tại Seoul ngày 14/12/2024 nhằm phê chuẩn dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol liên quan đến quyết định ban bố thiết quân luật. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trước đó, chiều ngày 14/12, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vì nỗ lực ban bố lệnh thiết quân luật bất thành của ông. Đề xuất luận tội ông Yoon đã được thông qua với 204 phiếu thuận và 85 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ.

Với việc thông qua nghị quyết luận tội, mọi quyền lực của Tổng thống Yoon, bao gồm cả quyền kiểm soát quân đội với tư cách là Tổng tư lệnh, đều bị đình chỉ.

Theo đó, quyền lực của ông Yoon sẽ được chuyển giao cho quyền Tổng thống - Thủ tướng Han Duck-soo - lần đầu tiên kể từ năm 2016 khi Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội.

Vì quân đội sẽ do quyền tổng thống và quyền bộ trưởng quốc phòng lãnh đạo, nên đã xuất hiện những lo ngại về việc Triều Tiên có thể coi tình hình này là khoảng trống trong đội ngũ lãnh đạo quân đội và sẽ có những hành động khiêu khích để leo thang căng thẳng.

Thứ trưởng Quốc phòng Kim Seon-ho hiện giữ chức quyền Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun từ chức, sau đó bị bắt vì vai trò của ông trong việc áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn do giai đoạn chuyển tiếp trong ban lãnh đạo quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Tướng Paul LaCamera, chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, sẽ được thay thế bởi người kế nhiệm là Tướng Xavier Brunson vào tuần tới.

Một số chỉ huy cấp cao của Hàn Quốc cũng đã bị đình chỉ nhiệm vụ vì vai trò trong việc áp đặt thiết quân luật, làm dấy lên thêm câu hỏi về khả năng sẵn sàng phòng thủ của đất nước.

Thủ tướng Han Duck-soo (giữa) và Thứ trưởng Quốc phòng Kim Seon-ho (phải). Ảnh: Yonhap
Thủ tướng Han Duck-soo (giữa) và Thứ trưởng Quốc phòng Kim Seon-ho (phải). Ảnh: Yonhap

Tính đến ngày 12/12, sáu vị tướng đã bị đình chỉ nhiệm vụ, bao gồm cả người đứng đầu Lục quân, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô và Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt.

Mặc dù có sự thiếu hụt lãnh đạo ở một số đơn vị chủ chốt, quân đội Hàn Quốc tuyên bố không có vấn đề gì với trạng thái sẵn sàng chung của đất nước.

Hôm 13/12, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết hầu hết các chỉ huy bị đình chỉ đều lãnh đạo các đơn vị chủ yếu có nhiệm vụ chống khủng bố, không liên quan đến lực lượng tiền tuyến - lực lượng đối phó đối với quân đội Triều Tiên trong trường hợp khẩn cấp.

Trong nỗ lực duy trì trạng thái sẵn sàng, quyền Bộ trưởng quốc phòng Kim Seon-ho đã có cuộc hội đàm với Tướng LaCamera để thể hiện sự đoàn kết giữa các đồng minh.

Trong cuộc hội đàm, Tướng LaCamera nói với ông Kim rằng quân đội của ông vẫn sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa bên ngoài, cam kết nỗ lực “giảm thiểu mọi rủi ro” đối với các hoạt động huấn luyện kết hợp đã lên kế hoạch của hai bên.

Người dân theo dõi bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân theo dõi bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Với việc luận tội Tổng thống Yoon, ông Kim có khả năng sẽ tiếp tục hội đàm với Tướng LaCamera để tái khẳng định sự đoàn kết của liên minh ngay cả khi đối mặt với tình hình chính trị trong nước bất ổn.

Ông Kim cũng dự kiến triệu tập một cuộc họp của các chỉ huy quân sự cấp cao để kiểm tra sự sẵn sàng của quân đội trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Sau khi Tổng thống Park và Tổng thống Roh Moo-hyun bị luận tội vào năm 2004, quân đội Hàn Quốc đã ngay lập tức tổ chức cuộc họp của các chỉ huy cấp cao cũng như các cuộc hội đàm với các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ.

Kể từ khi ban bố thiết quân luật, quân đội Hàn Quốc vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về hoạt động quân sự của Triều Tiên.

Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ triển khai thêm nhiều phương tiện trinh sát để theo dõi Triều Tiên trong bối cảnh còn lo ngại Bình Nhưỡng có thể tận dụng tình hình chính trị này để thực hiện các hoạt động quân sự.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5/12 cho rằng hiện có nhu cầu cấp thiết về việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức với toàn bộ dân thường đang cần hỗ trợ ở Syria và quay trở lại tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ để chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Trung Đông này.

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Tăng tốc tìm kiếm hiệp ước đối phó đại dịch toàn cầu

Các cuộc đàm phán liên quan thỏa thuận toàn cầu về đại dịch được nối lại vào tháng 12/2024, nhằm sớm xây dựng nền tảng vững chắc để thế giới ứng phó hiệu quả các thách thức y tế trong tương lai. Giới quan sát kỳ vọng, các nhà đàm phán sẽ nắm cơ hội này để khơi thông thế bế tắc, giúp các nước “cán đích” trước thời hạn chót là tháng 5/2025.

Liên hợp quốc kêu gọi hành động để giúp đỡ người dân Gaza

Liên hợp quốc kêu gọi hành động để giúp đỡ người dân Gaza

Theo thông báo của Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 1/12, hiện có trên 415.000 người dân Gaza di tản đang trú ẩn tại các trường học của cơ quan này. UNRWA cũng cho biết hàng trăm nghìn người khác đang phải sống trong điều kiện tồi tệ hơn tại những nơi trú ẩn tạm thời.

Cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, Australia tiên phong bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến

Cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, Australia tiên phong bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến

Australia vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Với bước đi được đánh giá là quyết liệt chưa từng có, Australia tiên phong trong việc siết chặt các quy định liên quan các nền tảng số nhằm bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến.

fb yt zl tw