“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Một thời hào hùng

LCĐT - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đi qua tròn nửa thế kỷ, nhưng trận đánh đặc biệt này vẫn luôn là ký ức đặc biệt với một số cựu chiến binh Lào Cai.

Đường vào tổ dân phố 26, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai), từ Quốc lộ 4E là một ngõ hẹp, khu vực này trước đây thuộc phường Bình Minh, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính năm 2020, nơi này sáp nhập vào phường Pom Hán. Đi sâu vào trong khá ngóc ngách, đây cũng là nơi thường trú của cựu chiến binh Nguyễn Văn Yên, sinh năm 1955, người trực tiếp tham gia, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biện Phủ trên không”.

 Đã gần 70 tuổi nhưng nhìn dáng vóc, thể trạng của ông Yên vẫn hiện rõ sự vạm vỡ của pháo thủ phòng không xưa kia. Hồi ức của cựu chiến binh Nguyễn Văn Yên trở lại năm 1972. Ông sinh ra và lớn lên tại Phố Ràng, huyện Bảo Yên, khi đó thuộc tỉnh Yên Bái. Ngày ấy, trong khí thế đất nước sục sôi chống Mỹ, cứu nước, thanh niên trẻ quyết tâm viết đơn xung trận cho dù tuổi đời mới 17. Sau huấn luyện hơn 1 tháng, chiến sỹ Nguyễn Văn Yên được biên chế vào C36 - đơn vị súng máy phòng không 12,7 ly và 14,5 ly (cỡ nòng 12,7 mm và 14,5 mm), thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái. Cuối năm 1972, giặc Mỹ tăng cường ném bom phá hoại miền Bắc, với tỉnh Yên Bái, mục tiêu của kẻ thù là phá hoại Nhà máy Thủy điện Thác Bà, ga Yên Bái và sân bay quân sự. Nhận định địch mở đợt tấn công phá hoại mang tính tổng lực vào những ngày cuối của năm 1972 rất cao nên tinh thần huấn luyện tại đơn vị của tân binh Nguyễn Văn Yên cũng hết sức khẩn trương. Ngày 18/12/1972, giặc Mỹ mở đợt tập kích lớn bằng nhiều loại máy bay vào miền Bắc nước ta với trọng tâm là phá hoại tại đồng bằng sông Hồng là Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Yên, Hải Phòng…; phía Đông Bắc bao gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên; phía Tây Bắc địch ném bom phá hoại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái.

Tình thế khẩn cấp, mới huấn luyện hơn 1 tháng nhưng chiến sỹ Nguyễn Văn Yên đã được phân công nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu với nhiệm vụ cùng đơn vị bảo vệ sân bay quân sự và ga Yên Bái. “Đây là những ngày chiến đấu cam go, oanh liệt nhất trong quân ngũ và cũng là những ngày đẹp nhất của đời tôi khi được dấn thân vì Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Yên bồi hồi.

Các cựu chiến binh trò chuyện về Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Các cựu chiến binh trò chuyện về Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Ông Yên còn kể thêm, bắt đầu từ ngày 18/12/1972, máy bay của Mỹ đánh rát suốt đêm ngày, đặc biệt là ban đêm, quãng từ nửa đêm về sáng, máy bay của địch bay thành từng tốp quần thảo bầu trời Yên Bái. “Tại Yên Bái, máy bay địch thường bay tầm thấp để tránh ra đa và hỏa lực pháo, lực lượng tên lửa của ta, nên nhiệm vụ của đơn vị chúng tôi là bắn máy bay bay thấp, không cho địch hạ thấp độ cao 4 km để chúng không đánh trúng mục tiêu dễ dàng. Có những trận đánh của chúng tôi kéo dài liên tục 2 ngày 1 đêm, không kịp tiếp phẩm, chúng tôi chỉ uống nước mà cũng không thấy đói”.

Thành công lớn nhất của đơn vị ông Yên và các đơn vị phòng không tại Yên Bái lúc bấy giờ là bảo vệ an toàn tuyệt đối ga Yên Bái, sân bay quân sự, tạo điều kiện để đêm 27/12/1972, phi công Anh hùng Phạm Tuân lái chiếc MIG - 21 xuất kích từ sân bay Yên Bái bắn cháy siêu pháo đài bay B52 của Mỹ làm cả thế giới ngỡ ngàng. Ngày hôm sau (28/12), đơn vị của ông cũng lập thành tích đặc biệt là bắn cháy một máy bay cường kích của địch.

Sau Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông Nguyễn Văn Yên tiếp tục ở trong quân ngũ đến năm 1977 thì trở về địa phương tham gia công tác tại bộ phận an ninh quân sự, Mỏ apatit Cam Đường. Từ đó đến khi nghỉ hưu (năm 2005), với những gì được đào tạo và kinh nghiệm chiến trường, ông Yên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện các trung đội 12,7 ly của mỏ apatit và tổ chức tốt các hoạt động dân quân, tự vệ tại đơn vị. 50 năm sau ngày chiến thắng, điều khiến ông Yên tự hào là đã góp phần vào các trận đánh, tô thắm truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương. Ông Yên có 2 em trai cũng đều lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó 1 người trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

Rời tổ 26, theo lời giới thiệu của ông Yên, chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Bùi Văn Thắng, 68 tuổi, trú tại tổ dân phố 14, phường Pom Hán. Ông Thắng nguyên là pháo thủ số 3, đơn vị pháo phòng không 37 mm, Tiểu đoàn Tô Hiệu, Cục Hậu cần. Tròn 18 tuổi, tháng 4/1972, chàng trai trẻ quê ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã tình nguyên lên đường nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện được điều động vào đơn vị pháo phòng không bảo vệ ga Đò Lèn, các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đầu tháng 12/1972, nhiều dấu hiệu cho thấy giặc Mỹ chuẩn bị mở cuộc tấn công ồ ạt theo đường không nhằm phá hoại miền Bắc nước ta, nên đơn vị ông Thắng được điều động trở ra huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) để bảo vệ các trận địa tên lửa.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Một thời hào hùng ảnh 2
Các cựu chiến binh nói chuyện truyền thống với học sinh Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai.

Ông Thắng nhớ như in, từ ngày 18/12 đến 30/12/1972, mỗi ngày giặc Mỹ cử hàng chục tốp máy bay từ hướng biển tấn công các trận địa phòng không và trung tâm Thủ đô Hà Nội, các vị trí quan trọng của ta ở các tỉnh miền Bắc. “Khi địch phát hiện vòng ngoài Thủ đô Hà Nội, bộ đội ta bố trí các đơn vị tên lửa nên có những đợt tấn công giặc Mỹ cử đến 3 - 4 tốp máy bay, tốp thì 3 chiếc, 4 chiếc, có khi là 5 chiếc, chia từ nhiều hướng rồi đánh chụm, quần thảo, gào thét như xé nát bầu trời trên đầu chúng tôi. Địch càng đông, càng hung hãn thì chúng tôi đánh càng hăng, càng gan dạ. Đám lính trẻ năm đầu như tôi một, hai ngày đầu còn hơi nhát khi nghe tiếng máy bay gầm nhưng rồi cũng bắn địch quên cả ăn, hết cả mỏi mệt”, ông Thắng cười.

Kỷ niệm khiến ông Thắng nhớ nhất là lần bị sức ép của bom Mỹ rơi gần làm ông bị hất văng ra xa khỏi vị trí pháo thủ mấy mét, khi tỉnh dậy biết có đồng đội hy sinh, thấy mình vẫn còn sức khỏe nên lại vào vị trí chiến đấu tiếp. “Bao giờ cũng thế, máy bay cường kích của địch là kẻ mở đường, chúng tấn công vào các trận địa phòng không để mở đường cho siêu pháo đài bay B52 bay sau rải thảm bom. Đơn vị pháo phòng không 37 ly của chúng tôi được lệnh bắn chặn các tốp máy bay tiền trạm, mở đường của chúng để bảo vệ các trận địa tên lửa phòng không, pháo cao xạ”, ông Thắng nói tiếp.

Sau Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông Thắng chuyển sang huấn luyện tại đơn vị pháo binh, sau đó trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Non sông thống nhất, năm 1978, ông Bùi Văn Thắng xuất ngũ và được phân công công tác tại Mỏ apatit Lào Cai, tới năm 1993 thì nghỉ chế độ. Năm tháng qua đi nhưng những gì còn đọng lại trong ông Bùi Văn Thắng, ông Nguyễn Văn Yên về các trận đánh với giặc tàu bay, về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi vẹn nguyên. Nay con cái đều đã lớn khôn, trưởng thành, có việc làm ổn định, đất nước hòa bình, ngày càng phát triển, phồn thịnh, đó là niềm hạnh phúc nhất của xạ thủ 12,7 ly Nguyễn Văn Yên và pháo thủ Bùi Văn Thắng năm xưa.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên

Chiều 17/4, tại trụ sở Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về kết quả triển khai Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Cần chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quý hiếm

Cần chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quý hiếm

Tham gia thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…

Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Đảng bộ huyện Bảo Yên: Phát huy tinh thần đổi mới, đột phá, phát triển

Đảng bộ huyện Bảo Yên: Phát huy tinh thần đổi mới, đột phá, phát triển

Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có chủ đề: “Đoàn kết - dân chủ - đổi mới - phát triển”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài tinh thần đoàn kết, dân chủ, sự tích cực đổi mới trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương đã mang lại những đột phá, đổi thay rõ rệt tại “huyện cửa ngõ” chính yếu của tỉnh.

fb yt zl tw