Gương sáng Bộ đội Trường Sơn

LCĐT - Tỉnh Lào Cai hiện có hàng trăm hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là tấm gương trong sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực củng cố, xây dựng tổ chức hội và chăm lo hoạt động xã hội. Báo Lào Cai giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu như thế.

Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn chăm trồng cây ăn quả

Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, ông Phạm Văn Long năm nay 75 tuổi nhưng da dẻ vẫn hồng hào, ông đủ sức khỏe để ngày nào cũng có 5 - 6 tiếng làm việc ngoài vườn, trên đồi cây.

Năm 1970, sau khi cùng gia đình từ quê hương Hưng Yên lên xã Bảo Hà lập nghiệp thì thanh niên Phạm Văn Long tình nguyện theo tiếng gọi của Tổ quốc tòng quân lên đường vào Nam chiến đấu. Biên chế Đoàn 559, chiến đấu hơn 2 năm ở chiến trường phía Tây Trường Sơn trước khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Năm 1976, ông Phạm Văn Long xuất ngũ với thương tích hạng 4 và mang trong mình chất độc da cam trở về địa phương. Với tinh thần cống hiến, ông tiếp tục tham gia công tác tại xã Bảo Hà nhiều năm sau đó.

Cựu chiến binh Phạm Văn Long bên vườn bưởi đào.
Cựu chiến binh Phạm Văn Long bên vườn bưởi đào.

Cũng trong thời gian này, ông Long phát triển kinh tế gia đình theo hướng trồng cây ăn quả. Ở xã, ông Long là người đầu tiên lặn lội về Yên Bái tìm giống cây móc thép (một loại mận địa phương) mang về trồng tại đồi đất mới, về sau vườn cây của gia đình ông nhân giống cho nhiều hộ trên địa bàn. Rồi ông trồng thêm hàng trăm cây hồng không hạt, bưởi đào. Nguồn thu hằng năm từ các loại cây ăn quả trong vườn nhà ông trong nhiều năm qua là 40 triệu đồng từ hồng không hạt (4 tấn/năm), 40 triệu đồng tiền bưởi và 20 triệu đồng tiền móc thép. Với diện tích đất vườn, đồi 58.000 m2, ông còn trồng quế, trẩu và một số cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. “Số tiền trợ cấp 4,5 triệu đồng/tháng đủ để hai vợ chồng già chăm lo đời sống hằng ngày thoải mái nhưng mình vẫn làm việc miệt mài, làm để khỏe, để vui, để con cháu nhìn đó mà noi theo”, ông Long nói.

Ngoài chăm lo mô hình sản xuất, với vị trí Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Bảo Hà, ông Phạm Văn Long còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động phong trào của hội, nhất là việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế giữa các hội viên. Hiện hội có 50 hội viên, nhiều người trong số đó là gương sản xuất giỏi các cấp.

Làm giàu trên đồng đất quê hương

Đó là ông Nông Thanh Tiên, hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có hộ khẩu tại thôn Ken 1, xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn).

Căn phòng khách rộng rãi của ngôi nhà mái bằng kiên cố được treo nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, tôi nhìn sơ sơ thấy chủ yếu liên quan đến sản xuất giỏi, đóng góp cho xây dựng nông thôn mới và các phong trào khác. Sau tuần trà, ông Nông Thanh Tiên kể bằng giọng chậm rãi: Nhập ngũ tháng 8/1973, lúc đó tôi 18 tuổi, sau mấy tháng huấn luyện là hành quân vào Nam, tôi chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, bên chế thuộc Sư đoàn 320. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi lại cùng đơn vị hành quân sang chiến trường Campuchia chiến đấu, bị thương nên rút về hậu cứ.

Hội viên truyền thống Trường Sơn Nông Thanh Tiên.
Hội viên truyền thống Trường Sơn Nông Thanh Tiên.

Trở về địa phương, ông tiếp tục có hơn 20 năm công tác tại Đảng ủy, UBND xã Chiềng Ken. Khi về hưu, ông có thời gian tập trung phát triển kinh tế. Hiện tại, đàn bò trong chuồng nhà ông có 18 con, trong đó có 12 con bò sinh sản. Ông Nông Thanh Tiên cho biết thêm, từ đầu năm gia đình đã bán bớt 5 con. Phần ruộng lúa trước của nhà hiệu quả kinh tế thấp nên ông chuyển sang đào ao nuôi cá, mỗi năm thu được 3 đến 4 tấn cá thương phẩm. Ông còn tận dụng điều kiện sẵn có để nuôi vịt, các gian chuồng trước đây nuôi lợn được ông chuyển sang nuôi nhím, sản phẩm bán cho các nhà hàng tại đô thị lớn.

Tính sơ sơ, mỗi năm mô hình chăn nuôi của ông Nông Thanh Tiên có thu nhập 120 triệu đồng. Số tiền 10 triệu đồng mỗi tháng không lớn nhưng rất đáng là mô hình học tập ở các miền quê. Điều đó càng đáng quý khi ông đã hết tuổi lao động nhưng vẫn là điển hình về chăm chỉ lao động, làm giàu từ đồng đất quê hương.

Hiến hơn 1.000 m2 đất xây dựng nông thôn mới

Hay lam, hay làm cùng tinh thần tự học, nữ cựu chiến binh Trịnh Thị Mát ở thôn Củm Hạ, xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai) đã vươn lên trở thành tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cũng như có nhiều đóng góp cho thôn, cho xã.

Cách đây 50 năm, khi vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, nữ thanh niên “quê hương 5 tấn” Thái Bình là chị Trịnh Thị Mát đã xung phong nhập ngũ, tham gia làm nhiệm vụ tại chiến trường B. Nhanh nhẹn, tháo vát, lại nấu ăn ngon, chị được phân công nhiệm vụ tại bộ phận hậu cần tại một đơn vị chiến đấu ở tỉnh Quảng Trị.

Nữ cựu chiến binh Trịnh Thị Mát, thôn Củm Hạ, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai.
Nữ cựu chiến binh Trịnh Thị Mát, thôn Củm Hạ, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai.

Non sông thống nhất, năm 1977, chị Mát xuất ngũ, trở về quê hương rồi theo gia đình lên Lào Cai xây dựng vùng kinh tế mới. Không ngại gian khó, ý chí được tôi luyện qua chiến trường đã tiếp thêm động lực để chị Mát cùng gia đình hăng say sản xuất, vượt qua đói nghèo bằng việc khai khẩn ruộng nương, làm vườn đồi, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Ngay từ những năm 1990, chị Mát đã xây dựng một cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp với năng lực sản xuất cả chục vạn cây mỗi năm. Chị còn trồng hơn 6 ha quế, trồng chè và có hơn 1.000 m2 ao nuôi cá, nuôi vịt. Hiện mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp của chị Mát mang lại thu nhập 300 triệu đồng; hộ nông dân Trịnh Thị Mát nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” các cấp.

Trong công tác xã hội, chị Trịnh Thị Mát là cán bộ chi hội phụ nữ giàu trách nhiệm, nhất là những năm tháng tham gia vận động hội viên thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Chị Trịnh Thị Mát còn là tấm gương hỗ trợ hàng chục phụ nữ khó khăn về cây giống lâm nghiệp, con giống gia cầm. Điều đặc biệt hơn, mới đây, chị Mát đã không ngần ngại hiến hơn 1.000 m2 đất tại thành phố Lào Cai ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 18

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 18

Như tin Báo Lào Cai đã đưa, chiều 3/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 18 về đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và thông qua Nghị quyết hội nghị về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng

Triển khai cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi: Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng

Từ sáng 1/7, tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an 9 huyện, thị xã, thành phố và điểm thu nhận của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) được đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai đồng loạt triển khai cấp thẻ căn cước cho trẻ 0 - 6 tuổi và người từ 6 tuổi trở lên.

fb yt zl tw