Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, có chức năng thu dung, khám bệnh, điều trị phục hồi chức năng cho người dân, trong những năm qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã triển khai hiệu quả hoạt động khám phát hiện, sàng lọc sớm người khuyết tật và tư vấn chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng.
Vừa qua, hưởng ứng ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12), Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã triển khai chương trình khám sàng lọc, phát hiện sớm các dạng khuyết tật cho người dân xã Tòng Sành, huyện Bát Xát. Các điểm khám được triển khai tại trường học, trạm y tế xã với 400 học sinh và người dân đã được khám sàng lọc.
Hoạt động khám sàng lọc góp phần phát hiện sớm những khuyết tật và một số bệnh lý ở trẻ. Thông qua hoạt động, chúng tôi sẽ tư vấn kế hoạch can thiệp, điều trị phù hợp để không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” can thiệp phục hồi chức năng đối với trẻ bị khuyết tật. Việc phát hiện, đánh giá đúng và can thiệp sớm sẽ giúp giảm mức độ ảnh hưởng của những khiếm khuyết và giúp trẻ đạt được những kỹ năng phát triển cần thiết, có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tăng chất lượng sống của trẻ và gia đình sau này.
Từ năm 2023, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh triển khai mô hình khám sàng lọc và tư vấn miễn phí cho trẻ khuyết tật một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Lào Cai. Hoạt động này đã phát hiện và hỗ trợ tối đa trẻ khuyết tật, tránh bỏ sót những cơ hội giúp đỡ trẻ. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã khám sàng lọc, phát hiện sớm khuyết tật miễn phí cho hơn 3.000 học sinh tại 16 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố như: Mầm non Bắc Cường, Mầm non Ánh Hồng, Mầm non Hoa Sen, Mầm non Hoa Mai, Mầm non Cam Đường, Mầm non Tả Phời, Mầm non Vạn Hòa, Mầm non Duyên Hải, Mầm non Mai Linh, Mầm non Dino, Tiểu học Tả Phời… Qua đó phát hiện hơn 2.200 trẻ trẻ có dấu hiệu cần theo dõi, can thiệp, chiếm 66,5%; 147 trẻ được tư vấn, can thiệp phục hồi chức năng tại bệnh viện.
Hiện nay, trẻ có dấu hiệu tự kỷ có xu hướng gia tăng và đây cũng là một dạng khuyết tật. Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đang sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị cho các bệnh nhi có chẩn đoán tự kỷ, bao gồm ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu, vận động trị liệu, y học cổ truyền. Hướng tới mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ toàn diện hơn, bệnh viện đã áp dụng phương pháp “Âm nhạc trị liệu” vào điều trị cho trẻ tự kỷ nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, giúp nhiều trẻ cải thiện về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi và cải thiện tích cực về nhận thức, tư duy, giao tiếp xã hội cơ bản, kỹ năng tự phục vụ bản thân, sớm hòa nhập cộng đồng.
Bệnh viện cũng đẩy mạnh vai trò chỉ đạo tuyến, tiến hành thu thập số liệu công tác triển khai các hoạt động khám - chữa bệnh bằng phục hồi chức năng tại các địa phương. Từ đó, đơn vị có kế hoạch đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, giám sát hỗ trợ tuyến dưới, nâng cao chất lượng khám và điều trị phục hồi chức năng tại cộng đồng, giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận dịch vụ khám, chăm sóc sức khỏe thuận lợi và chất lượng.
Mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được ngành y tế triển khai từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Hoạt động tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa khuyết tật, đồng thời cung cấp kiến thức chăm sóc, hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng cho người khuyết tật và người nhà người khuyết tật. Đặc biệt, hoạt động truyền thông trực tiếp còn lồng ghép khám - chữa bệnh, khám sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ, thăm gia đình…
Đến nay, số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng; người khuyết tật được đảm bảo chế độ, chính sách về khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ hỗ trợ theo quy định. Theo thống kê của ngành y tế, năm 2024, tổng số lượt người bệnh khám, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn là hơn 24.000, trong đó có hơn 11.000 lượt người khuyết tật về nói, nghe, nhìn, vận động và trí tuệ, 888 lượt người là nạn nhân, con cháu nạn nhân chất độc hóa học Dioxin.
Cùng với nỗ lực của ngành y tế, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người khuyết tật và thực hiện rà soát, giải quyết các chính sách trợ giúp người khuyết tật đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Luật Người khuyết tật.
Quan tâm cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp người khuyết tật vượt qua rào cản, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội là trách nhiệm của cả cộng đồng.