Năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gặp nhiều vướng mắc trong cung ứng thuốc, đặc biệt là với một số mặt hàng thuốc kháng sinh, dịch truyền và thuốc điều trị bệnh mãn tính. Năm 2023, khi các thông tư, văn bản của Bộ Y tế ban hành đã tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong công tác đấu thầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức 4 gói thầu với hơn 400 mặt hàng, trong đó, lựa chọn được nhà thầu, trúng thầu hơn 300 mặt hàng. Ngoài ra, bệnh viện còn sử dụng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, kết quả đấu thầu cấp địa phương, bởi vậy, cơ bản thuốc đã được cung ứng, đáp ứng phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đặc biệt là cho đối tượng bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong năm 2023 tăng rất nhiều so với năm trước. Mặc dù, bệnh viện đã dự báo được tình hình, chủ động đảm bảo thuốc, vật tư y tế, tuy nhiên, đến nay, bệnh viện dự kiến chỉ còn đủ mặt hàng dịch truyền đến cuối tháng 12/2023. Riêng thuốc Human Albumin 20% Octapharma (Albumin) chưa được cung ứng trở lại từ hơn 1 năm nay, khiến nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình điều trị.
Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có gần 70 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó khoảng 10 - 15 bệnh nhân có nhu cầu sử dụng thuốc Albumin. Bác sỹ Nguyễn Văn Khơi, Trưởng Khoa Nội tổng hợp chia sẻ: Trong tình trạng thiếu thuốc, với những bệnh nhân xơ gan hay có rối loạn mỡ máu kèm theo, chúng tôi sẽ có giải pháp bù huyết tương cho người bệnh. Để điều trị hiệu quả, chúng tôi kê đơn để bệnh nhân chủ động mua Albumin. Tuy nhiên, đây là loại thuốc có giá thành cao, không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện kinh tế để sử dụng.
Bệnh nhân Chảo Ông Nảy ở thôn Bản Cam, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) mắc hội chứng thận hư, có chỉ định truyền Albumin. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Nảy không có tiền mua thuốc. Khi tình trạng bệnh trở nặng, ông Nảy bị tràn dịch đa màng. Lúc này, gia đình đã tìm mọi cách vay mượn, cố gắng mua 4 bịch Almunin 100ml với chi phí gần 8 triệu đồng.
Bệnh nhân Phùng Chẩn Mềnh ở xã Mường Bo (Sa Pa) cũng mắc hội chứng thận hư. Trong quá trình điều trị hơn 1 tuần qua, ông Mềnh đã phải mua 10 hộp Albumin loại 50ml với giá 900 nghìn đồng/hộp. Ông Mềnh cho biết: Tôi được các bác sỹ giải thích là hiện nay bệnh viện không có thuốc này nên bệnh nhân phải chủ động mua thuốc để sử dụng. Nếu có thuốc, được bảo hiểm y tế hỗ trợ một nửa chi phí, sẽ đỡ tốn kém cho người bệnh rất nhiều.
Tại Khoa Nội tổng hợp, trong đợt điều trị đã có những bệnh nhân xơ gan phải sử dụng khoảng 10 lọ Albumin 100ml, mỗi lọ có giá ngoài thị trường từ khoảng 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Đặc biệt là với nhiều bệnh nhân thiếu Albumin khi mắc hội chứng thận là bệnh nhân trẻ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phụ thuộc vào bảo hiểm y tế, họ thường phải truyền từ 10 - 20 lọ thuốc, trở thành gánh nặng kinh tế rất lớn. “Chúng tôi đang trông chờ vào cơ chế, chính sách, những giải pháp tháo gỡ của ngành y tế và bệnh viện sớm có Albumin để người bệnh được hưởng chế độ hỗ trợ thanh toán của bảo hiểm y tế” - bác sỹ Nguyễn Văn Khơi bộc bạch.
Công ty TNHH Bình Việt Đức là đơn vị trúng thầu sản phẩm Human Albumin 20% Octapharma theo hợp đồng số 16-023/HĐTT-BIVID ngày 11/1/2023, đã có thông báo gửi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Trong văn bản nêu rõ: "Do tình hình dịch bệnh Covid-19, xung đột vũ trang, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, năng lượng ở châu Âu ảnh hưởng đến việc sản xuất cũng như vận chuyển khiến hàng về không đúng so với kế hoạch dẫn tới hụt hàng, chậm trễ cung ứng cho Quý bệnh viện". Công ty TNHH Bình Việt Đức dự kiến hàng về trong tháng 9/2023 và sẽ thông báo cho bệnh viện, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại là cuối tháng 11, mặt hàng này vẫn chưa được cung ứng.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đối với các loại thuốc mà nhà thầu không cung ứng được, sau khi có văn bản thông báo của nhà thầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu thầu lại, tuy nhiên, trong năm 2023 vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc Albumin. Hiện nay, bệnh viện đã tiếp tục xây dựng kế hoạch năm 2024, trong đó có 2 gói thầu, gói thầu tập trung cấp địa phương do Trung tâm Kiểm nghiệm, Sở Y tế đang tổ chức đánh giá hồ sơ lựa chọn nhà thầu. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu mua bổ sung thuốc, dịch truyền phục vụ công tác khám, chữa bệnh trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, bệnh viện xây dựng kế hoạch và Sở Y tế tỉnh đã thẩm định xong việc lựa chọn nhà thầu với 375 mặt hàng thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của năm 2024.
Theo thông tin từ Sở Y tế, thời gian qua, tỷ lệ mặt hàng thuốc trượt thầu trung bình về số lượng mặt hàng thuốc là 41,5% (1.677/3.775 mặt hàng), trong đó, không có nhà thầu tham dự với 1.421/3.775 mặt hàng trượt thầu (chiếm 37,6%), có 136/3.775 mặt hàng trượt thầu do giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch (chiếm 3,6%).
Từ ngày 1/1/2023, các đơn vị y tế tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng với 100% gói thầu thuốc, do đó các đơn vị còn mất thời gian rà soát và nghiên cứu quy định hiện hành. Một số bệnh viện, đơn vị y tế không đủ nhân lực để tự tổ chức đấu thầu mua thuốc, phải thuê tư vấn đấu thầu như: Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai… làm tốn thêm kinh phí hoạt động.
Ngoài ra, sau khi tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu lần 1 còn nhiều mặt hàng không trúng thầu, phải tiếp tục lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu các lần tiếp theo như: Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu 6 lần, Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát trình kế hoạch 5 lần, Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn và Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai đều đã phải trình kế hoạch 4 lần… Một số mặt hàng như Scilin M, Actrapic… cũng chỉ được cung ứng số lượng nhỏ giọt cho Bệnh viện Nội tiết trong năm 2022.
Bên cạnh đó, hiện mới chỉ có kết quả của 80/105 mặt hàng gói thầu tập trung cấp quốc gia và 25/240 mặt hàng gói thầu đàm phán giá, việc chưa lựa chọn được nhà thầu trúng thầu dẫn đến các đơn vị y tế bị động trong việc cung ứng thuốc.
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác đấu thầu thuốc gặp nhiều khó khăn. Tình hình thế giới biến động phức tạp, lạm phát, giá nguyên liệu tăng cao dẫn đến nhiều mặt hàng thuốc tăng giá bán; một số thuốc không kịp thời gia hạn khi hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành… Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho gói thầu thuốc năm 2022 - 2023, các cơ sở y tế vẫn lúng túng trong việc xác định nhu cầu thuốc, dẫn đến nhiều mặt hàng thuốc trong kế hoạch có nguồn cung hạn chế trên thị trường nên không có nhà thầu tham dự. Thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu kéo dài, xây dựng giá kế hoạch không phù hợp tại thời điểm tổ chức lựa chọn nhà thầu dẫn đến giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch...
Để gỡ khó cho các đơn vị, đối với các mặt hàng thuốc không có nhà thầu tham dự, Sở Y tế đã hướng dẫn Hội đồng thuốc và điều trị của các đơn vị y tế chủ động rà soát danh mục thuốc đã trúng thầu, đề xuất sử dụng các thuốc cùng nhóm tác dụng, chỉ định sử dụng để thay thế. Với thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, đấu thầu tập trung cấp địa phương, hướng dẫn liên hệ với các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh điều chuyển thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị tại đơn vị. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần nâng cao năng lực cung ứng thuốc thiết yếu của nhà thuốc bệnh viện… Đối với các mặt hàng thuốc có giá kế hoạch thấp, yêu cầu các đơn vị y tế căn cứ tình hình thực tế (biến động thị trường, lạm phát, trượt giá…) để xây dựng giá kế hoạch đảm bảo phù hợp, đúng quy định hiện hành.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Kim Ánh, Luật Đấu thầu năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 sẽ tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, tháo gỡ một số khó khăn hiện tại, đặc biệt là với những thuốc cấp cứu, cấp thiết cho người bệnh sẽ áp dụng hình thức lựa chọn đấu thầu phù hợp theo quy định của luật, đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.