Tích cực chia sẻ dữ liệu
Từ tháng 7/2021, BHXH Việt Nam - Tổng cục Thuế đã ký Quy chế số 1999/ QCPH-BHXH-TCT về chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa hai bên. Theo đó, dữ liệu do cơ quan thuế chia sẻ bao gồm: thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế; thông tin cá nhân trong tổ chức trả thu nhập; thông tin ghi nhận việc trích và trừ các khoản đóng BHXH, BHYT tại tổ chức trả thu nhập qua thanh tra, kiểm tra. Dữ liệu do cơ quan BHXH cung cấp bao gồm: thông tin tổ chức trả thu nhập tham gia BHXH, BHYT; thông tin cá nhân trong tổ chức trả thu nhập đang tham gia BHXH, BHYT; thông tin đóng BHXH, BHYT của tổ chức tra thu nhập qua thanh tra, kiểm tra.
Thực hiện quy chế này, đến nay đã có 4/63 cơ quan BHXH tỉnh, thành phố ký quy chế với cục thuế; 59/63 cơ quan BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với cục thuế xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy chế trên địa bàn. Có 19/63 BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với cục thuế các địa phương thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế, BHXH, BHYT, BHTN bằng hình thức đăng tin, bài trên website của các đơn vị, báo địa phương hoặc tổ chức hội nghị đối thoại, tư vấn chính sách để các doanh nghiệp, cá nhân biết lợi ích thiết thực, quyền, nghĩa vụ của việc tham gia kê khai, nộp thuế và đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Về chia sẻ dữ liệu, trong năm 2022, Tổng cục Thuế đã chia sẻ tự động thông tin của hơn 619 nghìn tổ chức trả thu nhập và hơn 20,6 triệu người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc kỳ quyết toán năm 2021. Năm 2023, Tổng cục Thuế đã chia sẻ tự động thông tin của hơn 635,6 nghìn tổ chức trả thu nhập và hơn 21,4 triệu người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc kỳ quyết toán thuế năm 2022.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng tích cực chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế. Cụ thể, năm 2022, BHXH Việt Nam chia sẻ tổng số hơn 5,7 triệu gói tin cho Tổng cục Thuế; trung bình mỗi tháng chia sẻ thông tin khoảng 482 nghìn đơn vị và 14,1 triệu lao động. Tính đến tháng 9/2023, BHXH Việt Nam chia sẻ tổng số hơn 4,5 triệu gói tin cho Tổng cục Thuế; trung bình mỗi tháng chia sẻ thông tin khoảng 509 đơn vị và 14,3 triệu lao động.
Thu hồi, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội
Đánh giá về tình hình thực hiện quy chế chia sẻ dữ liệu, phối hợp công tác giữa hai bên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, quá trình phối hợp với Tổng cục Thuế đã giúp ngành BHXH Việt Nam có thêm cơ sở dữ liệu để rà soát, thực hiện tốt hơn công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT trong thời gian vừa qua.
Việc thực hiện quy chế đã mang lại hiệu quả tích cực, vừa phục vụ tốt cho công tác quản lý thuế, vừa đảm bảo thu đúng, thu đủ BHXH, BHYT, BHTN. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN đã góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc bóc tách, xử lý dữ liệu của các gói tin từ Tổng cục Thuế chuyển sang; thực hiện phân tích, đối chiếu với dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam để lên biểu mẫu gửi BHXH tỉnh, thành phố khai thác. Số liệu mới nhất tính đến tháng 10/2023 cho thấy, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận 27.821.587 bản ghi quyết toán thuế thu nhập cá nhân, 659.592 bản ghi quyết toán thuế của đơn vị.
Ngoài việc phối hợp chia sẻ dữ liệu, cơ quan thuế và BHXH còn tích cực phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra. Tại một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Lào Cai, cơ quan thuế và cơ quan BHXH đã chia sẻ dữ liệu sau thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan thuế ngang cấp báo cáo UBND các cấp để thành lập đoàn kiểm tra theo chuyên đề đối với các đơn vị sử dụng lao động có rủi ro về thuế và BHXH.
Theo đó, hàng năm, BHXH tỉnh đã cung cấp danh sách đơn vị nợ bảo hiểm cho cơ quan Thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế. Trong quá trình thanh, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện ra sự chênh lệch giữa số lượng lao động kê khai nộp thuế và số lượng lao động tham gia BHXH, đã thông báo cho cơ quan BHXH biết và có biện pháp xử lý.
Thông qua công tác chia sẻ dữ liệu sau thanh tra, kiểm tra của 2 cơ quan và thành lập đoàn kiểm tra theo chuyên đề, đã phát hiện được nhiều đơn vị có khai báo thuế nhưng trốn đóng bảo hiểm; phát hiện người lao động và đơn vị kê khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân với mức tiền lương, tiền công cao hơn mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Từ đây, góp phần thu hồi giảm nợ đóng bảo hiểm, truy đóng số lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian, truy thu chênh lệch mức đóng đối với người lao động.