Ông Nguyễn Quốc Huy
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lào Cai
Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành giao thông vận tải đã nỗ lực, đồng hành với các địa phương trong tỉnh để triển khai hiệu quả các chương trình MTQG; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông khu vực nông thôn.
Tính từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thi công, đổ bê tông được 730/1.359,3 km đường giao thông, đạt 53,6% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và đồng bộ; mặt đường được mở rộng; nhiều tuyến đường đã có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên, biển báo giao thông, trồng hoa, cây xanh… bảo đảm đạt hoặc vượt chuẩn, đem lại diện mạo mới cho vùng nông thôn tỉnh Lào Cai.
Để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để lan tỏa và nhân rộng các mô hình. Nghiêm túc nghiên cứu, triển khai có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 14/CTUBND ngày 6/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông nông thôn thuộc chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025.
Huy động mọi thành phần kinh tế và Nhân dân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra toàn diện việc tổ chức thực hiện, hoàn thành xây dựng đường giao thông nông thôn hằng năm theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở. Xây dựng chương trình, kế hoạch nhu cầu nguồn vốn phục vụ công tác đầu tư, xây dựng đường giao thông nông thôn của những năm tiếp theo đảm bảo kịp thời, hiệu quả...
Ông Tô Ngọc Liễn
Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa
Với lợi thế phát triển nông nghiệp ôn đới và du lịch, dịch vụ, thị xã Sa Pa đã tập trung thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Nổi bật là mô hình sản xuất các sản phẩm từ cây tía tô của Hợp tác xã Sa Pa Secrets với vùng nguyên liệu đạt 10 ha, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng/năm; mô hình liên kết sản xuất cây Atiso của Công ty Traphaco Sa Pa với 150 hộ dân; mô hình sản xuất, chế biến cá tầm, cá hồi, phát triển các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã nuôi và chế biến thủy sản nước lạnh cá hồi, cá tầm Sa Pa Thức Mai, doanh thu đạt bình quân khoảng 12 - 15 tỷ đồng/năm…
Trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện có 5 điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ tập trung nhiều nhất tại các xã Tả Van (158 cơ sở), Tả Phìn (82 cơ sở), Mường Hoa (73 cơ sở), Bản Hồ (47 cơ sở)... Mỗi năm, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa đón khoảng 2 triệu lượt khách tham quan; thu nhập bình quân của các hộ có tham gia vào dịch vụ du lịch đạt từ 80 - 216 triệu đồng/năm.
Nhìn chung các dự án, mô hình đã cơ bản bám sát mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa phương nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ giảm nghèo của thị xã Sa Pa năm 2023 đạt 7,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo đạt 0,59%.
Thị xã Sa Pa xác định tiếp tục tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa, thực hiện hiệu quả hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trong lĩnh vực phi nông nghiệp gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm... góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ông Đỗ Văn Lưu
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên xác định thực hiện mục tiêu kép: xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển thành điểm du lịch của tỉnh. Đến hết năm 2023, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới và đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Để hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao năm 2024, Nghĩa Đô huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ban Chỉ đạo xã thường xuyên giao nhiệm vụ cho các thành viên theo địa bàn, tiêu chí cụ thể; bám sát quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo kế hoạch đề ra hằng năm phải phù hợp với mục tiêu.
Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, xã tập trung phát triển lợi thế về sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống, cây trồng vật nuôi và các dịch vụ để tăng thu nhập cho người dân; xây dựng, phát triển các mô hình, vùng sản xuất quy mô lớn như trồng dâu nuôi tằm, trồng kiệu, cây vụ đông, phát triển thương hiệu Vịt bầu Nghĩa Đô. Mỗi loại hình sản xuất đều gắn với phát triển dịch vụ du lịch, tạo ra chuỗi giá trị từ nông nghiệp đến dịch vụ trên địa bàn toàn xã.
Bên cạnh đó, Nghĩa Đô coi công tác giữ vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan là việc làm thường xuyên; bám sát dư luận xã hội và hệ thống thông tin cơ sở, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để kịp thời thông tin và vận động Nhân dân vào cuộc.