Huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa cũng là hai địa phương ghi nhận nhiều ca mắc sởi nhất từ năm 2024 đến nay: thị xã Sa Pa 497 ca và huyện Bát Xát 186 ca.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tổng số 733 ca mắc sởi, trong đó có 613 ca khỏi bệnh. Hiện có 120 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó: Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa 33 ca; Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát 51 ca; Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh 12 ca; Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà 8 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh 5 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Trịnh Tường 3 ca; Trạm Y tế xã Trịnh Tường 2 ca; Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên 1 ca; Bệnh viện Nhi Trung ương 1 ca và Trạm Y tế xã Cốc Mỳ 4 ca.
Có 2 ca bệnh nhân nặng, trong đó 1 ca đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và 1 ca đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Hiện tại, trẻ tỉnh táo, không sốt, vẫn ho, nốt ban đã có dấu hiệu dần mờ đi.
Thời gian qua, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, sởi - rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi, rubella với mục tiêu đảm bảo 100% trẻ từ đủ 9 tháng đến 60 tháng tuổi chưa tiêm, chưa tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh sởi, sởi - rubella sau khám sàng lọc có đủ điều kiện chỉ định tiêm sởi được tiêm vắc-xin phòng bệnh theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nguy cơ mắc bệnh sởi, triệu chứng, đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh sởi, lợi ích của tiêm phòng vắc-xin nói chung và vắc-xin sởi nói riêng trong cộng đồng. Các bệnh viện khi phát hiện trường hợp bệnh nghi mắc đã thông tin ngay cho đơn vị y tế dự phòng cùng cấp, lấy mẫu bệnh phẩm các ca nghi bệnh tại đơn vị; tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo.