LCĐT - Từ ngày 19/9/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai phối hợp với UBND xã Tả Phời tổ chức ghép mắt lê xanh thử nghiệm trên vườn lê VH 6 (lê Tai-nung) tại thôn vùng cao Phìn Hồ, xã Tả Phời.
![]() |
Việc ghép mắt được thực hiện trên các mầm cây khỏe mạnh. |
Thông qua chương trình đi thực tế, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, các cơ quan chuyên môn thành phố Lào Cai đã trao đổi, khai thác 300 mắt ghép từ các vườn lê xanh tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để ghép thử nghiệm trên cây lê VH 6 tại thôn Phìn Hồ với kỳ vọng cải tạo thành công diện tích cây ăn quả này.
Ông Trần Đình Ngọc, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai cho biết: Chỉ một vài cây được ghép toàn bộ mắt trên các cành, còn các cây khác chỉ ghép thử nghiệm trên 2 - 3 cành để theo dõi quá trình sinh trưởng có phù hợp, mang lại hiệu quả trên thực tế hay không mới tính toán đến việc ghép mắt đại trà.
![]() |
Vừa ghép mắt vừa chuyển giao kỹ thuật sản xuất giữa các cơ quan chuyên môn và cán bộ địa phương. |
Lý do giống lê xanh Đồng Văn được chọn khai thác mắt ghép là có kỳ ra hoa muộn hơn lê VH 6 của thôn Phìn Hồ khoảng 15 - 20 ngày, sức chống chọi với thời tiết lạnh cũng tốt hơn, nếu việc ghép mắt thành công sẽ tạo ra giống lê trái vụ và tránh được các rủi ro về khí hậu, thời tiết.
Cây lê VH 6 được thành phố Lào Cai và ngành nông nghiệp đầu tư tại thôn Phìn Hồ từ năm 2011 - 2012 trên diện tích 80 ha. Được đánh giá là giống cây phù hợp với các yếu tố thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tại thôn vùng cao này, những năm đầu tiên cây lê cho quả sai, trọng lượng quả tốt, cá biệt có cây đạt 3 - 4 quả/kg.
![]() |
Nếu thành công, việc ghép mắt sẽ triển khai đại trà. |
Tuy nhiên, từ năm 2015 - 2016 trở lại đây, năng suất, sản lượng lê VH 6 tại thôn giảm nhanh khiến người dân bỏ không chăm sóc, diện tích cây lê VH 6 tồn tại trên thực tế theo ông Trần Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Phời hiện đã mất quá nửa, chỉ còn 38 ha.
Lý do kém năng suất được các cơ quan chuyên môn xác định là do thời tiết. Lê VH 6 ra hoa vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 hằng năm, đây là thời điểm lượng sương mù dày đặc ở Phìn Hồ khiến hạt phấn bị bết, lê không đậu quả, hoặc đậu quả thấp.
Là mô hình có suất đầu tư lớn, mang nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế tại các thôn vùng cao Tả Phời nên chính quyền địa phương, thành phố Lào Cai những năm qua có nỗ lực lớn nhằm duy trì diện tích, nâng cao giá trị kinh tế cây lê VH 6 tại Phìn Hồ. Giải pháp là triển khai thâm canh, chăm sóc, bón phân, đốn, tỉa, vít cành và ghép mắt với một số cây lê cùng loại tại các huyện trong tỉnh nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
![]() |
Cây lê VH 6 thôn Phìn Hồ từng có thời điểm sinh trưởng rất tốt (ảnh chụp năm 2016). |
Để đánh giá mức độ thành công biện pháp ghép mắt cần ít nhất 2 - 3 năm. “Mong là việc ghép mắt lần này mang lại hiệu quả để cứu lấy vườn lê VH 6 đang bị hoang hóa từng ngày”, một cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lào Cai cho hay.