Ga Phố Lu cách đây hơn 10 năm như một thế giới thu nhỏ sôi động suốt ngày đêm giữa lòng trung tâm huyện lỵ Bảo Thắng, nhưng nay mọi chuyện chỉ còn là dĩ vãng.
Sân ga đìu hiu
Đường Lê Hồng Phong - tuyến đường chính từ trung tâm thị trấn về ga Phố Lu - một thời đông đúc nay trở thành con phố cụt. Nhà khách ga Phố Lu bỏ không nhiều năm nay đã xuống cấp khiến chúng tôi không nhận ra đây từng là nơi ăn ở, lưu trú của hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Phòng bán vé chỉ có những hàng ghế trống, một nhân viên bán vé cho biết: Khách lên từ ga Phố Lu thưa thớt, cả ngày bán được 15 - 20 vé là tốt lắm rồi!
Nhà ga không còn sôi động như xưa, kéo theo nhiều dịch vụ, việc làm bị ảnh hưởng, ngay cả bến xe khách Phố Lu cũng rơi vào cảnh đìu hiu.
Bà Nguyễn Thị Thơ trước đây là nhân viên nhà khách của ga Phố Lu, khi nghỉ chế độ, bà xin mượn tạm một phòng của nhà khách cũ bỏ không làm ki-ốt bán nước. Bà bảo, bán hàng cũng chẳng được mấy vì không có khách đi tàu như xưa nhưng vì gắn bó với nơi này quá lâu nên chẳng muốn chuyển đi nơi khác.
Kể lại một thời “hoàng kim” của nhà ga, bà Thơ lòng đầy tiếc nuối: Ngày ấy khách đi tàu đông nên các dịch vụ xung quanh phát triển theo, từ phục vụ ăn uống đến lưu trú, xe ôm, xe khách… Con phố Lê Hồng Phong trước cửa ga lúc nào cũng chật kín người và xe, ngày trước chỉ những ai có điều kiện mới mua được đất ở khu phố này.
Ông Phan Thanh Luyện đã công tác trong ngành đường sắt 31 năm, cũng gần hết quãng thời gian ấy, ông gắn bó với ga Phố Lu, bởi vậy những thăng trầm ở nhà ga này, ông là một trong những người hiểu rõ nhất. Ông Luyện là người Nghệ An, tháng 8/1992, sau khi tốt nghiệp lớp điều hành chạy tàu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông cùng 13 học viên được điều lên tham gia điều hành các chuyến tàu chở quặng apatit. Một thời gian sau, các học viên được rút dần về các nhà ga dưới xuôi, chỉ còn mình ông ở lại. Từ đó, ông tham gia điều hành tàu ở ga Phố Lu và có một thời gian ngắn điều hành ở ga Xuân Giao.
Gắn bó với ngành đường sắt hàng chục năm, ông Phan Văn Luyện trăn trở bởi những năm gần đây, ngành đường sắt đã có đầu tư nhất định, nhưng so với các loại hình vận tải khác thì sự chuyển biến còn chậm. Ông Luyện bảo, cứ nhìn vào phòng trực ban - trung tâm chỉ huy của ga Phố Lu này thì thấy rõ sự tụt hậu của ngành đường sắt. Thiết bị quản lý điều khiển hoạt động của tuyến đường sắt phía Tây dù được xem là hiện đại nhất hiện nay thì cũng đã lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ số đang phổ biến ở nhiều ngành, đó là chưa kể có những thiết bị đóng đường đã được sử dụng từ khi có tuyến đường sắt này.
Bao giờ trở lại như xưa?
Những năm đầu tái lập (1991), tỉnh Lào Cai còn ngổn ngang bộn bề do ảnh hưởng của chiến tranh biên giới tàn phá, ga Phố Lu cũng là ga cuối của các chuyến tàu khách trên tuyến Hà Nội - Lào Cai. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông khó khăn, các tuyến đường kết nối từ dưới xuôi lên Lào Cai còn hạn chế, lại bị hư hỏng do chiến tranh nên việc Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục hoạt động của tuyến đường sắt có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Lào Cai. Ga Phố Lu với vai trò là đầu mối giao thông quan trọng đã phát huy tốt vai trò.
Cuối năm 1993, khi ngành đường sắt khôi phục chạy tàu khách tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai lên ga Phố Mới thì ga Phố Lu vẫn là một trong những ga sôi động nhất của tuyến đường sắt phía Tây.
Ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng ga Phố Lu cho biết: Suốt chặng đường 20 năm từ khi tái lập tỉnh đến những năm 2013, 2014, ga Phố Lu luôn có mức tăng trưởng cao. Thời điểm dịp lễ, tết, khách lên xuống tàu đông, bộ phận trực ban chạy tàu không có thời gian nghỉ ngơi, công việc tuy vất vả nhưng ai cũng vui vẻ bởi có nhiều việc làm thì thu nhập nâng lên.
Cũng như các ga trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, sự sụt giảm hành khách của ga Phố Lu bắt đầu khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động. Dù đã lường trước nhưng khi chứng kiến lượng hành khách sụt giảm dần rồi đến mức chỉ còn vài chục khách mỗi ngày như hiện nay, những cán bộ, nhân viên nhà ga không khỏi thấy nao lòng.
Ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng Ga Phố Lu chia sẻ thêm: Nếu so sánh với các ga trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì hoạt động của ga Phố Lu chưa đến nỗi bi đát bởi với đặc thù nằm ở ngã ba tuyến đường sắt, hằng ngày ngoài 1 chuyến tàu khách xuôi, ngược thì ga vẫn đón gửi 20 đoàn tàu hàng, ga còn đảm nhiệm việc tách hoặc gắn các toa xe đi đến từ ga Lào Cai, ga Xuân Giao. Nhiều mặt hàng đặc thù vẫn được các doanh nghiệp lựa chọn vận chuyển bằng đường sắt, có những doanh nghiệp đầu tư bãi bốc dỡ hàng hóa, cẩu trục chuyên phục vụ bốc dỡ hàng hóa lên xuống tàu.
Nếu so sánh với các ga trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì hoạt động của ga Phố Lu chưa đến nỗi bi đát bởi với đặc thù nằm ở ngã ba tuyến đường sắt, hằng ngày ngoài 1 chuyến tàu khách xuôi, ngược thì ga vẫn đón gửi 20 đoàn tàu hàng.
Giai đoạn hiện nay có thể xem là nốt trầm trong sự phát triển của ngành đường sắt nói chung và ga Phố Lu nói riêng nhưng với những ưu điểm mà các loại hình vận tải khác không có, tin rằng nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng, ngành đường sắt sẽ phát huy hết vai trò của mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương, ga Phố Lu sẽ có cơ hội trở lại hình ảnh của một nhà ga sôi động, sầm uất của thị xã tương lai.