Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2018)

Đường vào Mỏ Apatit

LCĐT - 9 giờ 30 phút ngày 23/9/1958, Bác Hồ cùng phái đoàn của Chính phủ xuống tàu tại ga Pom Hán mới được khánh thành, lên xe tải tatra về Văn phòng Mỏ Apatit. Sau đó, Bác vào thăm khai trường mỏ Cóc, Đội máy xúc RYI đang sản xuất. Trên đường đi, Bác dừng lại trò chuyện với đội nữ công nhân đang làm đường. Tại cuộc mít tinh của công nhân lao động Mỏ Apatit và đồng bào xã Cam Đường chào mừng Bác và phái đoàn Chính phủ lên thăm, Bác đã trao tấm lụa tặng ông Trần Văn Nỏ, người cao tuổi tiêu biểu ở địa phương, thăm nơi ở và làm việc của chuyên gia Liên Xô gần đó.

Bác Hồ nói chuyện với công nhân Mỏ Apatit. Ảnh:Tư liệu
Bác Hồ nói chuyện với công nhân Mỏ Apatit. Ảnh:Tư liệu

14 giờ, Bác cùng phái đoàn Chính phủ lên toa xe vagông trở lại Cửa Ngòi phía đầu cầu Làng Giàng qua phà sang sông, đoàn tàu 424 đợi ở ga đón Bác cùng phái đoàn ngược lên ga Lao Cai.

Tuyến đường ray vận chuyển quặng từ Cửa Ngòi vào ga Gốc Đa, sau này là ga Mỏ Cóc dài 8 km sử dụng được 40 năm (từ năm 1939 đến 1979). Đường vào mỏ ban đầu chỉ là đường đất, cùng với thời gian, có 11 đoàn thăm dò địa chất, khảo sát lập bản đồ trữ lượng apatit, sau đó, nơi đây được đặt đường ray khổ rộng 60 cm từ Cửa Ngòi đến ga Gốc Đa dài trên 8 km. Năm 1934, khi đường sắt đẩy goòng chưa làm xong, cu ly mỏ phải gùi hoặc gánh từng cân quặng moi từ mỏ Cóc chuyển theo đường 109 Cam Đường - Lao Cai (nay là Quốc lộ 4E) đưa lên tập kết tại ga Lao Cai.

Năm 1939, những tấn quặng apatit đầu tiên tập kết tại ga Gốc Đa thành các goòng quặng được kéo bằng đầu máy hơi nước ra Cửa Ngòi, rồi được đổ vào ve-re-my giống như máng rót quặng từ bờ cao xuống phà, phà được tời qua sông, bốc lên toa xe đưa về cảng Hải Phòng. Từ năm 1939 đến năm 1942, tuyến đường thô sơ trên đã chuyên chở trên 249.000 tấn quặng.

Năm 1940, sau khi Nhật chiếm đóng mỏ, nhà thầu Nhật độc chiếm việc khai thác, nâng khối lượng gấp rưỡi thời chủ thầu Pháp quản lý. Năm 1942, chúng nâng cấp tuyến đường sắt trên từ khổ 60 cm lên 115 cm, đầu máy hơi nước kéo 3 đến 4 toa đĩa và toa vagông phía sau bảo vệ, thúc đẩy việc khai thác đạt sản lượng thêm 300 tấn/năm. Chủ thầu Nhật còn có ý định khôi phục việc khai thác mỏ đồng làng Nhớn, làng Phời mà chủ thầu Pháp mới triển khai. Theo tài liệu thống kê của Kho lưu trữ Trung ương, từ khi khai thác năm 1934 đến khi đóng cửa mỏ lần thứ nhất (cuối năm 1944), Pháp, Nhật đã khai thác trên 445.700 tấn quặng loại tốt. Hầu hết, số lượng quặng được chuyên chở trên tuyến đường ray từ ga Gốc Đa ra Cửa Ngòi.

Sau ngày khôi phục mỏ lần thứ hai (những năm tám mươi của thế kỷ trước), đường sắt từ chợ Chiềng cũ ra Cửa Ngòi đã được tháo dỡ, nhiều tuyến mới do mỏ quản lý được làm, tuyến xuôi xuống Xuân Giao - cầu Phố Lu, Xuân Giao - Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, tổng chiều dài trên 60 km. Từ đây, Mỏ Apatit đổi thay từng ngày.

Lại nói về vùng mỏ Apatit Cam Đường, năm 1886, sau khi chiếm đóng Laokay (Lao Cai), với khát khao thu lợi từ vùng thuộc địa trên “con đường tơ lụa” mà nhà buôn kiêm nhà ghi chép lịch sử Joan Dupus vẽ lên, chúng rất mong sớm khai thác tài nguyên quý hiếm tại đây. Từ năm 1900 đến năm 1914, dù phải đối phó với việc bình định các cuộc nổi dậy, chúng cũng đã cấp 11 giấy phép thăm dò các mỏ ở Laokay. Sau chiến tranh thế giới 1914 - 1918, Công sứ Laokay cấp 84 giấy phép tìm mỏ ở 27 điểm với 114 khu vực được thăm dò, trong đó có nhiều mỏ được phát hiện như mỏ phấn chì (graphite) Nậm Ty, mỏ cao lanh ở thị xã, mỏ đồng ở Làng Nhớn, mỏ đá ở Cốc San… Việc phát hiện Mỏ Apatit năm 1924 là một sự kiện ngẫu nhiên, không phải do các kỹ sư hoặc các nhà địa chất chuyên môn của chính quyền thực dân thực hiện. Theo tài liệu trong báo cáo lưu trữ của “Công sứ Laokay”, bố con ông Trần Văn Nỏ, người Tày ở tổng Cam Đường đã phát hiện ra nguyên liệu quặng trong một chuyến đi rừng. Toàn quyền Đông Dương đã phái nhiều đoàn khảo sát thăm dò từ suối Nậm Thi về Cam Đường. Sau đó, bản đồ trữ lượng apatit Laokay được công bố, đây là nguyên liệu sản xuất phân bón chất lượng cao trong trồng trọt và sản xuất ra nhiều loại hóa chất mà thị trường tư bản đang khát khao tìm đến.

Việc khai mỏ thủ công cần nhiều lao động nên phải tuyển mộ từ xuôi đưa lên. Chủ thầu Vũ Đức Sâm được giao tổ chức đường dây về các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây mộ phu.

Gặp năm miền đồng bằng châu thổ sông Hồng vỡ đê, mất mùa, đói kém, những nông dân nghèo lũ lượt kéo nhau về các sở mộ phu lên Laokay. Theo thống kê, năm 1939 mộ gần 200 người, năm 1940 mộ 287 người lên mỏ làm. Sau đó có thêm dân sở tại, đến năm 1944, số công nhân mỏ đã lên đến trên 7.000 người.

Năm 1955, sau ngày miền Bắc được giải phóng, Chính phủ chủ trương khôi phục việc khai thác Mỏ Apatit phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô cùng nhiều vật tư, máy móc mới, đường sắt Cửa Ngòi - ga Gốc Đa được khôi phục, khai trường Mỏ Cóc mở lại. Những thợ mỏ xưa trở lại mỏ, được cán bộ hướng dẫn, tổ chức sản xuất trở thành người chủ thực sự của mỏ. Thôn Hẻo những năm đầu khôi phục mỏ trở thành trung tâm chỉ huy đặt Văn phòng Mỏ.

Trưa 23/9/1958, sau khi dự mít tinh nói chuyện với công nhân lao động mỏ và đồng bào xã Cam Đường, Bác Hồ sang Văn phòng Mỏ làm việc với lãnh đạo mỏ và nghỉ trưa tại đây.

Làng Hẻo là bản của đồng bào Tày, quê hương của người du kích Hoàng Sào - nơi giàu truyền thống đoàn kết, sớm giác ngộ cách mạng. Hôm nay, thôn Hẻo đã là thôn đạt tiêu chí nông thôn mới, nhiều con em trong thôn đang làm việc tại mỏ. Sau thời kỳ khôi phục lần thứ hai, mỏ đã mở rộng khai thác, chế biến sâu, trở thành Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam - doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trong cung cấp nguyên liệu sản xuất phân bón và nhiều hoá chất cho thị trường trong và ngoài nước. Chân đồi thôn Hẻo nhộn nhịp những xí nghiệp và nhà máy tuyển quặng hoạt động suốt ngày đêm. Thôn Hẻo đang đổi thay cùng quê hương giàu truyền thống cách mạng.

fb yt zl tw