Dự thảo đã bảo đảm cụ thể hoá các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thể hiện được các nội dung:
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức tinh gọn và hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ.
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được lưu ý giải quyết thấu đáo, đó là:
- Về sở hữu, quản lý đất đai: Tuy khoản 3, Điều 58 có quy định việc “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong những trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”, nhưng thế nào là “thực sự cần thiết” và cơ quan quyết định “sự cần thiết” này là một vấn đề cần được Hiến pháp thể hiện rõ ràng.
- Về cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước: Chưa có nhiều quy định thể hiện rõ ràng cơ chế phối hợp, kiểm soát, các quy định cụ thể để các cơ quan thực hiện cơ chế này, so với Hiến pháp năm 1992 thì chưa được bổ sung nhiều.
- Về cơ chế hình thành quyền lực và thực hiện quyền lực nhà nước: Chưa làm rõ được việc hình thành và sử dụng quyền lực nhà nước tại địa phương trong trường hợp địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân.
- Về tổ chức bộ máy Nhà nước: Các quy định về cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân, Viện KSND, HĐND không được quy định cụ thể, rõ ràng do tổ chức của các cơ quan này đang trong giai đoạn cải cách, thí điểm. Không làm rõ được tính hệ thống của các cơ quan này trong cơ cấu quyền lực nhà nước ở địa phương, do đó cũng không làm rõ được cụ thể quan hệ phối hợp, kiểm soát đối với các cơ quan này. Xét về bản chất, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa giải quyết triệt để vấn đề cơ cấu tổ chức, hệ thống của bộ máy nhà nước, đây là một vấn đề rất được quan tâm trong quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thực hiện chiến lược cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992.
Những nội dung sửa đổi trong dự thảo góp phần giải quyết những bất cập, tồn tại trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên (đặc biệt là về đất đai), quyền tài phán quốc gia về chủ quyền lãnh thổ phù hợp với quy định của Công ước quốc tế. Khẳng định mạnh quyền con người, quyền tự do của công dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.
So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có tính khái quát cao hơn. Tuy nhiên, trong các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước còn ít quy định thể hiện cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước, việc quy định mở (theo luật) về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân khiến tính dự báo chưa cao, chủ yếu thể hiện tính dự liệu.
Hầu A Lềnh
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy