'Đón đầu' một nguy cơ lớn

Một bộ phận người trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con hoặc không sinh con, là một trong các yếu tố khiến mức độ tăng dân số của Việt Nam đang giảm trong những năm gần đây. Điều này khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ già hóa.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: THIÊN CHƯƠNG
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: THIÊN CHƯƠNG

Nguy cơ tăng trưởng dân số âm

Bộ Y tế vừa có đề xuất các giải pháp can thiệp để duy trì được mức sinh thay thế tại Việt Nam, không để dân số tăng trưởng âm.

Tại nước ta, tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2017 - 2020 là 1,07%. Song do mức sinh có xu hướng giảm nhẹ nên tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%) và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Theo Dự báo dân số Việt Nam 2019 - 2069 của Tổng cục Thống kê, trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số nước ta sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054 - 2059 bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064 - 2069) là 0,18%, tương đương giảm bình quân 200.000 người/năm. Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định thì dân số Việt Nam tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064 - 2069 tăng 0,17%, tương đương 200.000 người/năm.

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), hiện mô hình sinh của Việt Nam chuyển dịch mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi từ 20 - 24 sang nhóm tuổi từ 25 - 29, đồng thời với thực tế đó, tuổi kết hôn tăng, tỷ lệ kết hôn giảm. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa đang ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Dân số cho biết, các nghiên cứu, dự báo cho thấy xu hướng mức sinh giảm tại Việt Nam. Với xu hướng này, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên. Việt Nam vẫn đang ở trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người hơn 60 tuổi.

Cần đòn bẩy chính sách

Theo quan điểm của TS, bác sĩ Bùi Chí Thương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất mới đây của Bộ Y tế để cặp vợ chồng tự quyết định sinh bao nhiêu con là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. Thậm chí đề xuất này cần sớm hơn vì thực trạng dân số như hiện nay chưa giàu đã già. Đồng thời tỷ suất sinh ở các khu vực thành thị đang xuống thấp đáng e ngại, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, mức sinh năm 2023 chỉ là 1,32 con.

Theo chuyên gia tài chính, PGS, TS Ngô Trí Long, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích sinh đủ hai con như hỗ trợ về thuê nhà, mua nhà ở xã hội (ưu đãi lãi suất), hay các chính sách về giáo dục, y tế để người trẻ giảm bớt áp lực, sẵn sàng tâm lý và điều kiện để chủ động sinh con. Nếu không sớm có giải pháp, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ mất lực lượng lao động trẻ dồi dào, sẽ không hút được các doanh nghiệp FDI, cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Như vậy nền kinh tế sẽ đối mặt với khủng hoảng lao động.

Còn theo ý kiến của GS, TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), dù hiện nay mức sinh thay thế chung cả nước chưa ở mức báo động nhưng cũng cần có những chính sách để “đón đầu”. Điều quan trọng là các chính sách an sinh phải bảo đảm cho việc nuôi dạy con cái thì các cặp vợ chồng mới an tâm sinh con.

GS, TS Giang Thanh Long cho rằng, chúng ta đang từng bước thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng với già hóa dân số nên đương nhiên người cao tuổi sẽ là trọng tâm của các chiến lược, chính sách này. Khi nói về người cao tuổi cần lưu ý, có hai nhóm là người cao tuổi hiện nay và người cao tuổi trong tương lai (hay chính là những người trẻ tuổi, trung niên bây giờ). Thích ứng với dân số già tức là phải chuẩn bị cho cả hai nhóm dân số này. Mặt khác, với nhóm dân số trẻ hơn - những người cao tuổi tương lai - cần tận dụng “cơ hội vàng” khi tỷ lệ và số lượng nhóm này còn tăng trong khoảng hai thập niên nữa. Chuẩn bị kinh tế/tài chính, sức khỏe và các hoạt động cộng đồng để vừa bảo đảm an sinh thu nhập hiện tại cũng như trong tương lai và chuẩn bị cho “kiềng ba chân” của già hóa tích cực - bảo đảm kinh tế; bảo đảm sức khỏe và hoạt động cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đang đề xuất các chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi nhằm thích ứng với già hóa dân số, dân số già. Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế xây dựng đang được lấy ý kiến. Theo đó, cả nước hiện có hơn 4 triệu người cao tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, song hầu hết đang làm các công việc có tính chất dễ bị tổn thương và có thu nhập thấp, với gần 80% lao động cao tuổi là lao động tự làm và lao động hộ gia đình. Mức lương bình quân của người cao tuổi gần 3,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 34% mức lương bình quân trên thị trường. Bộ Y tế đề xuất xây dựng các giải pháp thích ứng quá trình già hóa dân số, dân số già; đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc người cao tuổi và một số nhu cầu cơ bản của người cao tuổi ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, Bộ Y tế cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Cần nhấn mạnh rằng, người cao tuổi không phải là “gánh nặng” của xã hội, mà họ vẫn đang đóng góp công sức - một cách thầm lặng và nhiều khi không được ghi nhận - cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Biết tận dụng tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi một cách phù hợp sẽ mang lại những giá trị to lớn cho xã hội. Ngược lại, nếu không chăm lo, chuẩn bị thích ứng với dân số già hóa nhanh một cách phù hợp, đúng thời điểm thì sẽ bỏ lỡ “cơ hội vàng” dân số hiện nay cũng như tạo “gánh nặng” thật sự trong tương lai với gần 30 triệu người cao tuổi vào giữa thế kỷ này.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

fbytzltw