Lâu nay, kịch bản luôn được coi là khâu yếu nhất của phim Việt. Nghịch lý là đội ngũ biên kịch, trong đó có đội ngũ biên kịch trẻ rất đông đảo, song chất lượng kịch bản luôn là điều khiến giới làm phim đau đầu.
NSND Đoàn Dũng từng chất vấn thế hệ làm phim hiện nay: Tại sao phim ảnh của nước bạn luôn hấp dẫn hơn chúng ta trong khi điều kiện sản xuất lẫn thực lực diễn viên của chúng ta không hề thua kém? Có lẽ ai cũng trả lời được câu hỏi ấy. Đạo diễn Việt Linh ví kịch bản như tấm bản đồ còn hiện trạng điện ảnh của nước nhà giống như cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông. "Chúng ta có đường sá rộng rãi, chúng ta có ô tô, máy bay hiện đại. Nhưng vì thiếu kịch bản - thiếu tấm bản đồ, nên mọi thứ trở nên loạn xạ, chúng ta cứ chạy lạc đường hoài" - bà than thở.
Dễ nhận thấy những năm gần đây, số phim điện ảnh Việt Nam tăng lên đáng kể. Từ 10 phim trong một năm và chủ yếu tập trung vào dịp lễ Tết, đến nay phim Việt đã tăng lên trung bình 50 phim, xuất hiện đều đặn từ đầu năm đến cuối năm.
Ngoài các nhà làm phim tư nhân nở rộ thì sự xuất hiện của nhiều rạp chiếu có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại cũng giúp nền điện ảnh trong nước vươn mình. Tuy nhiên, niềm vui này không trọn vẹn bởi số phim có kịch bản thuần Việt tươi mới, sáng tạo vô cùng ít ỏi. Đa phần vẫn là phim remake (làm lại) kịch bản ăn khách của nước ngoài, hoặc chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu nổi tiếng.
Thiếu kịch bản, điện ảnh Việt vẫn chuộng remake kịch bản phim ngoại. (Trong ảnh: Phim "Anh thầy ngôi sao" chuyển thể từ kịch bản gốc của Hàn Quốc). |
Khi remake "Ngoại già tuổi 20" của Hàn Quốc thành phiên bản Việt mang tên "Em là bà nội của anh", đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thẳng thắn: "Kịch bản thuần Việt không thiếu. Nhưng tại sao tôi phải lựa chọn một kịch bản được gọi là thuần Việt nhưng lại hời hợt, dễ dãi, kém chất lượng trong khi kịch bản "Ngoại già tuổi 20" thú vị và đầy nhân văn như thế?".
Nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng thừa nhận, dù nhận hàng trăm kịch bản mỗi năm nhưng hãng phim của chị rất khó tìm được một kịch bản hay để quay dù bản thân chị rất ưu ái "hàng nhà". Rõ ràng, đa số các bộ phim được triển khai từ kịch bản thuần Việt thường bị kêu ca về chất lượng. "Biết chết liền", "Bụi đời Chợ Lớn", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", "Trạng Quỳnh", "Nắng"... vấp vô số "sạn", nội dung rời rạc, không logic.
Phim nước ta thường lâm vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột", càng về cuối thì nội dung càng đuối, tình huống lủng củng, phi lý. Thông điệp của các phim này cũng không có sức nặng, không thuyết phục được người xem. Theo nhà phê bình, PGS.TS Trần Luân Kim, nếu trước đây, phim Việt chuộng hài nhảm thì bây giờ tiếng cười trong phim đã duyên dáng hơn.
Tuy vậy, tiếng cười ấy vẫn chưa có chiều sâu thâm thúy. Nên dù số kịch bản trên giấy khá lớn nhưng tìm ra một kịch bản chất lượng để dựng thành phim là cả một thách thức. Các kịch bản thuần Việt hiện nay chỉ dừng ở mức tạm dùng được chứ không thể nói là xuất sắc. Muốn triển khai, nhà sản xuất và đạo diễn phải thêm mắm dặm muối đủ kiểu.
Để an toàn, các nhà sản xuất, đạo diễn tìm đến nguồn kịch bản ngoại hoặc chuyển thể tác phẩm văn học như trường hợp của Trương Ngọc Ánh, Phan Gia Nhật Linh. Số khác như đạo diễn Charlie Nguyễn, Đức Thịnh, Thanh Sơn… thì kiêm luôn biên kịch. Nhưng tất cả chỉ là giải pháp tạm thời. Đội ngũ biên kịch giỏi là yêu cầu cấp bách nếu muốn nền điện ảnh phát triển bền vững.
Nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm kịch bản thuần Việt chất lượng và đào tạo nguồn nhân lực biên kịch kế cận, nhiều cuộc thi viết kịch bản ra đời. Được chú ý nhất hiện nay có cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng". Cuộc thi này vừa khép lại vào cuối tháng 9 với giải nhất thuộc về Nguyễn Tấn Nhật với kịch bản "Phi vụ xác chết". Ngoài ra còn có chương trình "Gặp gỡ mùa thu" - cầu nối để nhà sản xuất tìm kiếm các kịch bản mới từ các tác giả trẻ; một số hoạt động đào tạo biên kịch ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh, Xinê House…
Thông qua các cuộc thi này, giới chuyên môn dễ dàng nhận thấy lực lượng biên kịch trẻ rất đông đảo. Trong họ ăm ắp đầy ý tưởng, sức sáng tạo và lòng nhiệt huyết. Trải qua 3 mùa giải, cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" đã nhận được số lượng bài dự thi lên tới hơn 12.000 ý tưởng. Nhiều kịch bản khai thác yếu tố mới lạ như siêu thực, kỳ ảo như "Gia vị nhân gian", "Tôi đến từ biển khơi"…
Thế nhưng, điều họ vấp phải là thiếu vốn sống, kiến thức và trình độ chuyên môn. Nếu là dân được đào tạo chính quy thì họ cũng nặng nề lý thuyết, ít có cơ hội cọ xát, va chạm thực tiễn nên kịch bản mang cái nhìn chủ quan, thiếu hơi thở cuộc sống.
Trong một buổi trò chuyện cùng đạo diễn Charlie Nguyễn tại một trường đại học, có rất nhiều ý tưởng làm phim táo bạo của sinh viên được đưa ra. Song các bạn đều loay hoay không biết triển khai nó thế nào để sắp xếp mạch truyện lôi cuốn. "Vì yếu về cấu trúc, thiếu kinh nghiệm nên có khi phát triển kịch bản cả năm trời, họ vẫn không thể viết xong.
Muốn trở thành một biên kịch chuyên nghiệp, họ phải có gần chục năm trau dồi kinh nghiệm với gần chục kịch bản. Song, phần lớn người trẻ hiện nay khi 2, 3 kịch bản đầu tiên bị từ chối thì đã chóng nản" - đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Nhìn lại đội ngũ biên kịch nước ta, dù đông đảo nhưng số người thành danh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số họ vô danh, làm việc theo nhóm nên các kịch bản chắp vá, vay mượn. Nhà biên kịch Thanh Hương cho hay, tình trạng ăn xổi cũng khiến phim Việt ít gặt hái thành công. Chị phân tích: "Hễ một phim làm về giang hồ ăn khách thì sau đó có vô số phim khai thác đề tài này. Đến khi có phim khác thu trăm tỷ nhờ khai thác dòng rom-com (lãng mạn - hài hước) thì ngay sau đó sẽ có hàng chục phim ăn theo như thế. Nó không chỉ khiến khán giả bị bội thực và ngán ngẩm mà còn khiến người làm nghề thui chột tài năng".
Các thí sinh đoạt giải tại cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng" 2019 (hàng trước) . |
Kịch bản quyết định hơn 50% sự thành công của bộ phim. Song, không ít nhà sản xuất vẫn chuộng các gương mặt diễn viên tên tuổi hay yếu tố giật gân câu khách mà xem nhẹ vai trò trọng yếu của kịch bản. Hậu quả là nhiều phim bị gãy, hóa "bom xịt". Nếu ở Hàn Quốc, điều đầu tiên khán giả quan tâm là ai biên kịch cho bộ phim đó để quyết định nên mua vé xem hay không thì ở nước ta vai trò của biên kịch vô cùng mờ nhạt, chưa được xem trọng. Họ thường bị xếp sau đạo diễn, thậm chí rất khó tìm thông tin về họ. Mức thù lao cho biên kịch cũng không tương xứng với công sức bỏ ra nên ít người dồn hết thời gian, tâm huyết.
Các cuộc thi, chương trình về biên kịch đang cố gắng bù khuyết cho những lỗ hổng đó. Không chỉ làm cầu nối liên kết nhà biên kịch với nhà sản xuất và đạo diễn, các chương trình này còn huấn luyện, giúp các nhà biên kịch trẻ được dịp nâng cao tay nghề, cọ xát thực tế, học hỏi từ những nhà biên kịch có nghề. Cụ thể, tại cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng 2019", hội đồng thẩm định và dàn huấn luyện viên bao gồm các đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch như Nguyễn Thị Bích Ngọc, Charlie Nguyễn, Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh…
Ở mùa 3 này, với chủ đề "Đánh thức câu chuyện trong bạn", cuộc thi được tổ chức với quy mô lớn hơn hai mùa trước và có nhiều điểm cải tiến hấp dẫn như nâng cấp chương trình huấn luyện với phần lý thuyết, thực hành và học nhóm được đào tạo chuyên sâu nhằm mang đến nền tảng tốt nhất cho thí sinh. Đây cũng chính là sân chơi hàng đầu cho các bạn trẻ mong muốn trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp.
Nhờ sự dìu dắt này, những cái tên được xướng lên tại lễ trao giải "Nhà biên kịch tài năng" đều có các tác phẩm đáng để kỳ vọng. Không hiếm người bước ra từ các cuộc thi này bước đầu gặt hái được quả ngọt. Quả thực đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Đạo diễn Charlie Nguyễn mong mỏi: "Điện ảnh Việt cần nhân rộng các sân chơi như thế nếu muốn hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ biên kịch mạnh. Đương nhiên, các chương trình và cuộc thi trên vẫn chỉ là nền tảng đầu tiên của các nhà biên kịch trẻ. Để đi đường dài, họ phải nỗ lực không ngừng".