Là tỉnh miền núi biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phong tục tập quán, thói quen sử dụng súng săn, súng tự chế (súng kíp, súng hơi cồn, cung, nỏ….) để săn bắt thú rừng, bảo vệ mùa màng, nương rẫy. nhiều vụ việc không đáng có, vụ án thương tâm do dùng súng tự chế gây ra. Để hạn chế tới mức thấp nhất tiến tới xoá bỏ tình trạng người dân vùng cao sử dụng súng tự chế trái quy định, Công an tỉnh Lào Cai đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đem lại kết quả cao và được người dân đồng tình ủng hộ.
Điểm thu hồi vũ khí tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn.
Cán bộ Công an thu gom vũ khí người dân tự giác giao nộp.
Qua rà soát, nắm tình hình tại địa bàn cơ sở vẫn còn một số người dân tàng trữ, cất giấu súng săn, súng tự chế tại các lều, lán ở nương rẫy, việc sử dụng công cụ này là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ săn bắn nhầm, giải quyết mâu thuẫn cá nhân, gia đình, bạn bè, dòng họ gây thương vong, thậm chí gây hậu quả chết người. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Điển hình như vụ việc xảy ra vào tháng 3/2019 khi đang đi làm ở trên nương, Giàng A Dơ, Cư A Mạnh, và Hoàng A Lù cùng trú tại thôn Nậm Trang, xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn nghe thấy tiếng khỉ kêu nên chia nhau đi săn, thấy bụi cây phía trước có tiếng động, lá cây rung, tưởng là thú rừng nên Giàng A Dơ đã nổ súng, sau đó phát hiện ông Lù nằm bất động, người dính nhiều vết thương và tử vong sau đó.
Hay như vào tháng 1/2021, vụ Giàng A Tăng, trú tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa do uống rượu say đã sử dụng súng kíp bắn bị thương chị Sùng Thị Me là vợ Tăng, hậu quả, chị Me bị 15 viên đạn bi găm trên cơ thể, tổn hại 50% sức khỏe. Đây là 02 trong số nhiều vụ án thương tâm xảy ra do dùng súng tự chế trái quy định gây ra.
Người dân kí cam kết tự giác giao nộp vũ khí.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại Công an tỉnh, đồng chí Đại tá Cao Minh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện đổi mới, sáng tạo trong công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đem lại kết quả cao và được cấp ủy chính quyền địa phương các cấp cùng người dân đồng tình ủng hộ.Tùy từng địa phương, phong tục, tập quán của mỗi đồng bào dân tộc để xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Người dân xếp hàng giao nộp vũ khí với tinh thần tự giác rất cao.
Cán bộ Công an tiếp nhận súng tự chế do người dân tự giác giao nộp.
Đối với tập tục của đồng bào vùng cao khi đi làm nương rẫy đều mang theo bên mình một khẩu súng tự chế, vừa để bảo vệ bản thân, vừa để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng, nương rẫy, muốn thay đổi tập tục này, không chỉ thực hiện trong ngày một, ngày hai. Vì vây, lực lượng Công an các cấp đã chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, tranh, pano, áp pích, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại các buổi họp thôn, phiên chợ…. tuyên truyền về sự nguy hiểm của việc sử dụng súng tự chế đối với người thân, gia đình, làng xóm, là hành vi vi phạm pháp luật.
Nội dung tuyên truyền đều lồng gắn những hình ảnh, ví dụ cụ thể minh họa để người nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu và tự giác thực hiện; cùng với đó tổ chức cho người dân ký cam kết không tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Công an tỉnh cũng bố trí tại trụ sở công an các xã, phường, thị trấn đều có điểm thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đây vừa là điểm thu hồi, vừa là điểm tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Thông qua tuyên truyền rộng rãi, không những giải quyết tốt những mâu thuẫn nội tại trong gia đình, bạn bè, dòng tộc mà người dân đã nhận thức và hiểu rõ hơn việc dùng súng tự chế là nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội cần phải được ngăn chặn và loại bỏ.
Ông Hảng Sì Pao, Người dân thôn Sảng Chải, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, Lào Cai cho biết: từ trước đến nay, khẩu súng tự chế là vật bất ly thân của tôi mỗi khi đi nương, chúng vừa dùng để bảo vệ bản thân, vừa là công cụ để săn bắn con chuột, con sóc, thú rừng phá hoại mùa màng. Nay được cán bộ công an xã đến tuyên truyền vận động về sự nguy hiểm khi dùng súng tự chế, là hành vi vi phạm pháp luật, tôi đã viết cam kết không sử dụng súng tự chế nữa, vì vậy hôm nay tôi mang khẩu súng kíp tự chế của này tôi đến điểm thu nhận của cơ quan Công an để giao nộp. Về thôn bản tôi sẽ tuyên truyền vận động những cá nhân có sử dụng súng tự chế tự giác đến giao nộp cho cơ quan Công an.
Ngoài tuyên truyền rộng rãi, với phương pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lực lượng công an tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, các đối tượng có liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín để tuyên truyền vận động cá biệt, giúp gia đình, cá nhân đó hiểu về sự nguy hại, vi phạm pháp luật khi sử dụng súng tự chế, để từ đó họ tự giác giao nộp những vũ khí tự chế của mình còn cất giấu cho cơ quan chức năng.
Anh Lự Văn Công, Công an viên thôn Thị Tứ, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn chia sẻ: Bản thân tôi đã gắn bó làm công an viên được 12 năm, là người địa phương, nên tôi hiểu rất rõ tình hình trong thôn, để vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt hiệu quả cao, tôi cùng các đồng chí công an xã xuống trực tiếp từng hộ gia đình hoặc thông qua các buổi họp dân để tuyên truyền cho bà con trong thôn phải chấp hành tốt pháp luật và hiểu về tác hại của súng tự chế, vũ khí, vật liệu nổ…Từ đó, nhiều người đã nhận thức được và tự nguyện mang súng tự chế đến công an xã giao nộp, cá nhân tôi cũng đã vận động được 2 người dân tự giác đến giao nộp 2 súng cồn tự chế cho cơ quan công an.
Để công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt được kết quả cao, lực lượng công an đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kết hợp với cấp căn cước công dân, định danh điện tử và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, cấp sim di động miễn phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo chương trình của công an tỉnh trong đợt cao điểm này, ngoài việc tuyên truyền vận động thu hồi vũ khí, Công an tỉnh còn tổ chức chương trình thiện nguyện mỗi hộ gia đình tự giác vận động giao nộp được hỗ trợ 10 kg gạo và 01 mũ bảo hiểm (tổng trị giá phần quà khoảng 500 nghìn đồng).
Qua một thời gian tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh, được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao, nhân dân nhận thức rõ và đồng tình ủng hộ. Trong 2 ngày 11 - 12/10, Công an tỉnh đã tổ chức thí điểm tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại huyện Văn Bàn và Si Ma Cai, hiệu quả cho thấy rất rõ nét. Đối với huyện Si Ma Cai, thông qua tuyên truyền, người dân các xã trên địa bàn toàn huyện đã tự giác đến giao nộp được 147 khẩu súng tự chế các loại và công cụ hỗ trợ, cùng với đó công an huyện cũng bàn giao 83 súng tự chế các loại được thu giữ từ đầu năm. Tại Văn Bàn, người dân đã tự giác đến giao nộp 50 khẩu súng kíp và súng cồn tự chế cho cơ quan công an; Công an huyện cũng bàn giao cho Công an tỉnh 308 khẩu súng tự chế các loại được thu giữ từ đầu năm.
Công an huyện Si Ma Cai tiếp nhận súng tự chế do người dân tự giác giao nộp.
Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Để người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt kết quả cao, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng súng tự chế tồn tại trong dân, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của lực lượng công an cơ sở và sự đồng tình ủng bộ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ; về tác hại khi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ đối với gia đình và sự nguy hiểm cho xã hội.
Việc tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại huyện Văn Bàn và Si Ma Cai, bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo của Công an tỉnh Lào Cai đã đem lại kết quả hết sức khả quan, thời gian tới mô hình này sẽ được Công an tỉnh nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.