Doanh nghiệp tập trung nguồn lực, nhắm mốc tăng trưởng cao trong năm 2025

Để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất đã và đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh nhằm đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp đóng góp tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Sản xuất công nghiệp đóng góp tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhằm tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên và phấn đấu tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, đón đầu những cơ hội mới để tăng tốc.

Tăng tốc ngay từ tháng đầu năm

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với kỳ vọng thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra trong năm.

Ông Phan Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Dệt may Phố Nối (Vinatex-ID), cho biết năm 2024, Vinatex-ID đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ do đại hội cổ đông giao với doanh thu đạt 212 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 23 tỷ đồng, vượt 27% so với kế hoạch.

“Năm 2025, Vinatex-ID đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao hơn năm trước, đồng thời phấn đấu để đưa Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối trở thành khu công nghiệp xanh”, ông Phan Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tại Tổng Công ty May Đáp Cầu (Dagarco), Tổng Giám đốc Lương Văn Thư chia sẻ, ngay từ những ngày làm việc đầu năm mới, các đơn vị trong hệ thống đều khẩn trương quay trở lại làm việc, không có biến động, suy giảm về lao động sau Tết.

“Tình hình đơn hàng đã có tới hết tháng 4/2025, doanh nghiệp tiếp tục đàm phán để ký đơn hàng tiếp theo, trong đó nhiều khách hàng đã có sự cam kết về đơn hàng cho quý 2/2025”, đại diện Dagarco chia sẻ.

Doanh nghiệp dệt may tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm.
Doanh nghiệp dệt may tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm.

Theo chia sẻ của Giám đốc sản xuất Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rapido ASEAN Lê Văn Quân, ngay sau kỳ nghỉ Tết, 100% cán bộ, công nhân trở lại làm việc để kịp trả các đơn hàng trong nước và xuất khẩu đã ký kết.

"Năm 2025, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhất là những đối tác có tiêu chuẩn cao như thị trường Mỹ, EU...", ông Lê Văn Quân thông tin.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp sản xuất đã có đơn hàng ký kết đến năm 2026. Đơn cử như Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp VCONNEX, số lượng đơn hàng tính đến năm 2026 của VCONNEX có giá trị hàng trăm tỷ đồng, với tăng trưởng doanh thu 200 - 300%.

Ông Bùi Trường Thi, Phó Tổng Giám đốc thông tin, khí thế sản xuất thực sự đã tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp tự tin bước vào năm 2025, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội.

Khơi thông "điểm nghẽn" tạo lực đẩy cho doanh nghiệp

Qua gần 40 năm đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 05 triệu hộ kinh doanh.

Riêng năm 2024, có trên 233.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Tại cuộc gặp gỡ của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới diễn ra ngày 10/2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường, hỗ trợ trong quá trình tiếp cận các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách hiện hành, thực thi các nội dung hành chính một cách nhanh chóng thuận lợi.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại một cách cởi mở để tiếp thu có chọn lọc, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để các doanh nghiệp có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Đối với Hà Nội, thực hiện nghị quyết của Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội là hơn 8%, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 03/CTr-UBND xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, trong đó mục tiêu tăng trưởng đạt hai con số.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên là rất cần thiết trong bối cảnh Hà Nội và cả nước cần tăng tốc phát triển. Muốn vậy, việc tạo lập niềm tin, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vô cùng quan trọng.

“Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp, đặc biệt tập trung cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, sửa đổi, bãi bỏ quy định không cần thiết, không để phát sinh thủ tục mới làm tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp là cách tạo lập niềm tin và động lực phát triển", bà Nguyễn Kiều Oanh nêu.

Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa Dệt Hà Tây.
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa Dệt Hà Tây.

Theo đại diện Sở Công Thương, thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước… Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất cũng được đẩy mạnh, qua đó có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP hơn 8%, rất cần các cấp, ngành thành phố có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

"Thành phố nên tập trung hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang xây dựng các tổ hợp nhà máy ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành hạ tầng; phát huy chức năng của “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp” đã hoạt động rất hiệu quả từ năm 2023", ông Nguyễn Vân nói.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngành nghề nào dẫn đầu xu hướng tuyển dụng?

Ngành nghề nào dẫn đầu xu hướng tuyển dụng?

Khảo sát Xu hướng tuyển dụng quý II/2025 của ManpowerGroup (công ty cung ứng giải pháp nhân sự) cho thấy triển vọng tuyển dụng khởi sắc trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Tại Việt Nam, chuyên gia từ ManpowerGroup Việt Nam đánh giá, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng lên ở nhiều ngành trong quý II/2025, tiêu biểu là lĩnh vực sản xuất.

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Đối mặt với tăng trưởng yếu và áp lực địa chính trị, kinh tế châu Âu đang ở thời điểm quyết định. Giải pháp tăng cường cạnh tranh có thể giúp khu vực vượt qua khủng hoảng hay không?

Sa Pa bàn giải pháp phát triển kinh tế đêm

Sa Pa bàn giải pháp phát triển kinh tế đêm

Sáng 23/3, UBND thị xã Sa Pa tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế đêm Sa Pa – Thực trạng và giải pháp” nhằm đánh giá, nhận định tiềm năng cũng như tìm các giải pháp phát triển kinh tế đêm tại địa phương.

Người ươm quả ngọt ở Chiềng Ken

Người ươm quả ngọt ở Chiềng Ken

Những năm gần đây, đến các hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP hoặc xúc tiến thương mại của tỉnh, giữa rất nhiều hàng hóa nông sản các địa phương, người tiêu dùng rất ưa chuộng và tìm mua “Bưởi đường Nhà Triệu” của Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp, dịch vụ Bưởi đường Chiềng Ken, huyện Văn Bàn.

Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân

Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm khoảng 85% tổng số lao động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa (chiếm 98%), khả năng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế.

Kinh tế tư nhân với khát khao bứt phá và phát triển

Kinh tế tư nhân với khát khao bứt phá và phát triển

“Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế

Lào Cai hưởng ứng Giờ trái đất 2025

Lào Cai hưởng ứng Giờ trái đất 2025

Với thông điệp “Chuyển dịch xanh - Tương lai xanh”, Giờ Trái đất 2025 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang các phương thức phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, hướng tới một tương lai xanh cho hành tinh. Sự kiện tắt đèn trong 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, thứ Bảy, ngày 22/3/2025.

fb yt zl tw