Cùng tham gia đoàn công tác, về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lưu Thị Hiên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; lãnh đạo UBND thành phố; đại diện Công đoàn ngành Giáo dục thành phố Lào Cai, các trường tham gia buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các trường đã có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến nội dung: Hỗ trợ chính sách cho học sinh bán trú, học sinh nữ dân tộc thiểu số; chính sách cho các thầy cô giáo ở địa bàn khó khăn; đầu tư về cơ sở vật chất…
Cụ thể, Trường Tiểu học và THCS số 2 xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) đề nghị tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ để đảm bảo dinh dưỡng; bổ sung cấp dưỡng cho bếp ăn mầm non; hỗ trợ 8 - 10 kg gạo/học sinh/tháng đối với học sinh bán trú không được hỗ trợ gạo; có cơ chế thành lập trường bán trú đối với trường có trên 50% học sinh ở bán trú khu vực I có giao thông đi lại khó khăn; có chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc miền núi để các em có cơ hội tham gia học tập ở các trường nghề sau khi tốt nghiệp…
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đề nghị: Các cơ quan quản lý cấp trên có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường; hướng dẫn thực hiện hạch toán chứng từ, hóa đơn đối với nội dung chi tiền ăn từ học bổng của học sinh; tăng mức tiền hỗ trợ cho học sinh lớp 12 trong thời gian chờ thi tốt nghiệp bằng mức học bổng; sửa đổi, điều chỉnh kịp thời một số chế độ trong Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGD&ĐT để phù hợp với nhu cầu thực tế, cần thiết để đảm bảo chế độ, chính sách cho học sinh…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của các trường, đồng thời khẳng định đây là cơ sở thực tế để đoàn xây dựng báo cáo và đề xuất một số nội dung nhằm thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường trong thời gian tới.