Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Phạm Thị Thanh Trà – Phó Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ; các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Văn hoá Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông Vận tải; Lao động Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; công tác bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống dân tộc; phát triển du lịch xanh; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với đoàn công tác của Viện Hàn lâm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2014; định hướng phát triển trong thời gian tới và năm 2015 và một số chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Trong 33 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XVII, dự kiến 32/33 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; có 1 chỉ tiêu cần phấn đấu quyết liệt để đạt kế hoạch.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư công, đổi mới mô hình tăng trưởng cơ cấu kinh tế ngành đã có những chuyển biến theo hướng tích cực; việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, phát triển du lịch xanh; đào tạo bồi dưỡng cán bộ được quan tâm chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; quy mô phát triển doanh nghiệp còn nhỏ lẻ; tiềm năng phát triển du lịch chưa được đầu tư phát triển mạnh, nguồn vốn đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao… ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng – Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: Măng tre Bát Bộ, chè Suối Giàng, nếp Tú Lệ…
Đồng chí đề nghị Yên Bái cần quan tâm đến việc quy hoạch trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; vấn đề thị trường; việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn đầu tư phát triển của tỉnh; việc huy động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế. Đánh giá đúng tiềm năng phát triển về du lịch, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, phát triển du lịch trên cơ sở phát triển nông nghiệp và bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc, tạo chuỗi liên kết trong phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực. Cần nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái văn hoá tộc người, tập trung vào 4 nhóm chính là: Thái, Tày, HMông và Nùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng và đoàn công tác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh sẽ nghiên cứu và bổ sung vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ nghiên cứu lại cơ cấu phát triển kinh tế, trong đó lấy chế biến trong sản xuất nông nghiệp làm khâu đột phá, nâng cao giá trị sản xuất; tập trung thu hút đầu tư vào phát triển đô thị miền núi; xây dựng sân golf; phát triển thị xã văn hoá Nghĩa Lộ; chuyển đổi diện tích đất nương không hiệu quả sang trồng ngô tăng hiệu quả sản xuất cho người dân. Về phát triển du lịch, tỉnh tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch tâm linh gắn với phát triển thương mại – dịch vụ, hướng tới làm giàu cho người dân. Về phát triển công nghiệp, tập trung phát triển vào những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm cho người lao động như công nghiệp may mặc, chế biến vật liệu xây dựng và khai khoáng.

Nhân dịp này, đoàn công tác của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đi thăm Khu chăn nuôi Công nghệ cao của Tổng Công ty Hoà Bình Minh; thăm mô hình trồng chuối tiêu hồng và trồng hoa lan Hồ Điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh (ảnh trên).
Mạnh Cường – Quyết Thắng