TS. Đỗ Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh từng đưa ra quan điểm rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên hiện nay không thể là trách nhiệm của riêng ai. Chúng ta không thể đổ lỗi cho gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội... Vấn đề quan trọng là các giải pháp làm thế nào để mỗi người trẻ có được sự hiểu biết, văn hóa thực hành quy tắc, chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
Khai mở hệ giá trị con người
Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức cuối tháng 11/2022, PGS.TSKH. Lương Đình Hải - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đưa ra nhận định rằng, hệ giá trị con người là những yếu tố tích cực, những phẩm chất, đặc tính, tính cách, các nội dung, yêu cầu trong các quan hệ xã hội (thể hiện thực chất những quan hệ người với tự nhiên, với người khác, với cộng đồng, với xã hội) được hình thành và trao truyền trong quá trình sinh tồn, phát triển có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, hữu ích, thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.
Hệ giá trị con người còn là sản phẩm quá trình nhận thức của các chủ thể người khác nhau. Không có sự nhận thức và đánh giá của các chủ thể người thì các quan hệ người vẫn tồn tại mà không hề có ý nghĩa, vai trò, nghĩa là không có giá trị với con người. Nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người càng phát triển thì hệ giá trị con người càng được khai mở, nội dung càng nhiều thêm, phong phú thêm, đa dạng hơn.
Còn theo GS.TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội khẳng định, chuẩn mực con người thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng đồng thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ... xã hội.
Hiện nay, nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức mà còn cả về chuẩn pháp lý. “Chính vì thế vấn đề xây dựng chuẩn mực con người được đặt ra một cách cấp thiết. Kỳ vọng được giả định là nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội... thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn”, GS.TS Hồ Sĩ Quý nhấn mạnh.
Làm sao để bớt lệch chuẩn?
Như vậy có thể thấy, nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội thì như một lẽ tất nhiên giới trẻ cũng khó có thể sống chệch hướng, phi lí tưởng.
TS. Đỗ Ngọc Hà cho hay kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên về hành vi sai lệch của thanh, thiếu niên cho thấy hành vi sai lệch của thanh niên vẫn còn biểu hiện trên nhiều khía cạnh cả trong tư tưởng, trong môi trường học tập, công việc, trong tham gia hoạt động văn hóa và cả việc vi phạm pháp luật…
Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chế tài thực hiện chưa nghiêm. Vì vậy, cần phải làm tốt hơn nữa việc thực hiện các chuẩn mực xã hội, quy định của luật pháp trở thành văn hóa của mỗi tổ chức, cộng đồng và trong xã hội. Khi đó cơ chế tự kiểm soát, điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội và của thanh niên được hình thành, phát triển.
Theo Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam năm 2021, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Điều đó cho thấy mạng xã hội giờ đây có vị trí không hề nhỏ trong cuộc sống của giới trẻ. Tuy nhiên, từ đây lại phát sinh rất nhiều các hành vi lệch chuẩn.
Những trào lưu kém duyên, phản cảm ngày càng tăng cấp độ thành những trò nguy hiểm bất chấp. Theo giới nghiên cứu, Việt Nam cần môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Đồng thời, phải triệt tiêu các hành vi lệch chuẩn để có một xã hội văn hóa.
Mặc dù nhiều hành vi bị xử phạt theo quy định pháp luật, nhưng những video, trào lưu xấu ngày ngày tràn lan. Điều đó đồng nghĩa, công cụ pháp luật là chưa đủ mà còn phải có sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, trường học, tổ chức cơ quan, truyền thông và toàn xã hội… để định hướng giới trẻ biết nhận thức cái hay cái đúng, cái sai trái – phản cảm.
Đơn cử hiện nay, nhiều trường đại học đã yêu cầu sinh viên phải học giáo trình gốc, không photo và dùng giáo trình photo. Điều này giúp sinh viên biết và thực hiện đúng chuẩn mực về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, tạo thói quen thực hành chuẩn mực pháp luật trong thanh niên.