Chủ trì diễn đàn gồm các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Tổng Biên tập 2024, ông Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, quyền Tổng Biên tập Nhà báo và Công luận chia sẻ: Qua nhiều mùa diễn đàn (năm nay là diễn đàn lần thứ 6-PV), các vấn đề nóng luôn được Ban tổ chức trăn trở và đặt ra. Báo chí truyền thống đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội. Để phát triển, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống phải tích cực tìm những hướng đi mới. Với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước; cũng như không chỉ giữ chân độc giả mà còn củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.
Thực tế cho thấy “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” đã và đang trở thành tâm điểm phân tích và luận giải ở các tòa soạn trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, cụm từ báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo hay báo chí giải pháp ngày càng được quan tâm và nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông.
Tại diễn đàn, với 2 phiên thảo luận, phiên thứ nhất “Báo chí giải pháp-Xu hướng và tiềm năng”; phiên thứ hai “Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?”, các đại biểu đã có những trao đổi thẳng thắn, thảo luận về báo chí giải pháp-xu hướng báo chí đang được các tập đoàn truyền thông, cơ quan báo chí trên thế giới cũng như tại Việt Nam quan tâm.
Trong bài thuyết trình của mình, với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí thế giới bây giờ cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo phê phán, chỉ trích hay bám lấy khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất thông tin giật gân như trước. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới thử nghiệm, nghiên cứu và thấy rằng những thông tin tiêu cực có tác dụng cảnh báo xã hội nhưng nó cũng gây tác động có hại với độc giả. Các nghiên cứu của báo chí châu Âu và Mỹ chỉ ra rằng báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của độc giả, thúc đẩy con người có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội, qua đó khích lệ độc giả tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại phiên thảo luận thứ hai “Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?”, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Từ đầu đến giờ có rất nhiều ý kiến hay của các anh, các chị, các bạn đồng nghiệp. Báo chí giải pháp, báo chí thông tin tuy hai mà là một, đan xen với nhau. Khi Báo Quân đội nhân dân triển khai bài viết, nhất là tuyến bài, thì 2 bài cuối hoặc bài cuối cùng bao giờ cũng đưa ra các giải pháp. Chúng ta rất cần cân nhắc giữa giải pháp và thông tin. Báo chí phải cung cấp thông tin cho độc giả. Thông tin đó phải có tính Đảng, tính nhân dân, có giải pháp, có trách nhiệm với xã hội”.
Qua 2 phiên thảo luận, những kinh nghiệm, cách làm mới được các đại biểu chân tình chia sẻ cùng những đề xuất góp phần định hình rõ hơn xu hướng báo chí giải pháp tại Việt Nam, từ đó giúp các tòa soạn có cách làm phù hợp hơn trong thực tế hoạt động báo chí (về thu hút nhân lực chất lượng cao, về kinh phí vận hành tòa soạn, sản xuất tác phẩm báo chí chất lượng cao...), để góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
*Tại diễn đàn, các đại biểu đã quyên góp thông qua Quỹ ước mơ xanh, để thiết thực ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3.