Trang phục truyền thống và nghi thức đám cưới độc đáo trong "Tết ở làng địa ngục" và "Kẻ ăn hồn". Ảnh: ĐPCC
Lấy văn hóa bản địa làm gốc
“Theo tôi, dù dòng phim thương mại hay nghệ thuật, yếu tố bản địa thật sự rất quan trọng với một tác phẩm điện ảnh. Nó không chỉ giúp bộ phim tiếp cận, tạo sự gần gũi với khán giả, mà còn là cầu nối lan tỏa văn hóa cũng như góp phần tạo dựng nên bản sắc nền điện ảnh của quốc gia đó”, đạo diễn Trần Hữu Tấn nêu quan điểm.
Với suy nghĩ đó, những yếu tố văn hóa Việt được anh đưa vào các tác phẩm thông qua nhiều chất liệu: một khúc đồng dao quen thuộc trong Bắc Kim Thang; bầy rối nước, bài vè, những trang phục truyền thống, hình ảnh đám cưới chuột trong Tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn… Sắp tới, dự án Con Cám cũng được lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Anh cho biết, dù làm phim kinh dị nhưng vẫn phải thể hiện tình yêu, tôn vinh văn hóa trong tác phẩm và làm mọi thứ thuần Việt nhất trong khả năng.
Cũng ở thể loại kinh dị, đạo diễn Lưu Thành Luân đã rất thành công với Quỷ cẩu - bộ phim được lấy cảm hứng từ chất liệu linh dị dân gian “chó đội nón mê”. Trong dự án kế tiếp - Linh miêu (dự kiến ra rạp cuối năm nay), anh khai thác truyền thuyết linh dị dân gian Việt Nam về quỷ nhập tràng.
“Linh miêu mang một thông điệp mạnh mẽ về nghiệp quả lồng ghép với những nét đẹp của văn hóa khảm sành sứ Huế, một nét văn hóa đặc sắc của thời nhà Nguyễn. Tôi tin rằng chất liệu dân gian với nguồn cảm hứng đến từ văn hóa truyền thống, cụ thể là văn hóa xứ Huế những năm 1960, về sự phân hóa trong địa vị của nam - nữ sẽ là một điểm thú vị trong dự án này”, đạo diễn Lưu Thành Luân hứa hẹn.
Không phải đến thời điểm này các nhà làm phim Việt mới ý thức câu chuyện xây dựng bản sắc và tôn vinh văn hóa Việt thông qua các tác phẩm của mình. Trong thành công của series Lật mặt, khán giả từng rất ấn tượng với phiên chợ vùng cao Tây Bắc sầm uất và đầy màu sắc trong Lật mặt: Nhà có khách; miền Tây sông nước với hình ảnh chợ nổi, ngôi làng người Chăm... trong Lật mặt: 48h; nghề làm chiếu truyền thống ở Định Yên trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh; lễ hội làng biển Lăng Thần Nam Hải... trong Lật mặt 7: Một điều ước.
Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả từng mang đến cho khán giả những thước phim mãn nhãn thông qua bối cảnh, phục trang, đạo cụ… nhằm tôn lên giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của xứ Huế.
Gần nhất, Người vợ cuối cùng cũng cho thấy nỗ lực phục dựng các yếu tố văn hóa Việt của ê kíp sản xuất thông qua trang phục và phục sức của các diễn viên, các bối cảnh phim… Ngay cả trong một số phim Việt giành các giải thưởng lớn quốc tế gần đây như Ròm, Bên trong vỏ kén vàng, Tro tàn rực rỡ… cũng đậm chất Việt, không chỉ đến từ bối cảnh phim mà còn ở việc xây dựng nhân vật và đan cài vào đó nhiều yếu tố văn hóa vùng miền đặc trưng.
Điện ảnh Việt bắt đầu có tên và được nhắc đến tại nhiều liên hoan phim lớn có nguyên nhân từ việc những bộ phim được thực hiện đúng quy trình hơn, kết nối với nhiều nhà sản xuất, nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác nhau. Thông qua các mối liên kết đó giúp các bộ phim đạt nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn. Ngoài việc đáp ứng được những tiêu chí nghệ thuật và có những khám phá mới, các nhà làm phim cũng đã biết cách đi đến các liên hoan phim lớn một cách bài bản
- đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết.
Nỗ lực để đi xa
Những ngày qua, phòng vé Việt chứng kiến cơn sốt từ bộ phim điện ảnh đang ăn khách nhất phòng vé Thái Lan năm 2024 - Gia tài của ngoại. Một câu chuyện gia đình tưởng chừng đã quá quen thuộc, cũ kỹ nhưng lại được thể hiện dưới lăng kính giản dị, nhường đường cho cảm xúc dẫn dắt khán giả.
Đó là lý do bộ phim được chào đón không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Chìa khóa thành công từ Gia tài của ngoại về mặt lý thuyết tưởng đơn giản, nhưng để hiện thực hóa nó… lại khó không tưởng.
Lễ hội người Chăm ở Châu Đốc, An Giang được tái hiện trong "Lật mặt: 48H"
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, yếu tố đầu tiên khi anh đánh giá một bộ phim chính là bản sắc và sự khám phá.
Anh cho rằng, một bộ phim cũng là một công trình khai phá một điều gì đó trong cuộc sống hoặc trong tưởng tượng. Sau đó, sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để kể các câu chuyện, làm thế nào để chọn lọc các chất liệu văn hóa bản địa vừa đặc sắc, gần gũi nhưng đồng thời mang tính đại chúng là thách thức không hề nhỏ. Nhìn rộng ra, không ít bộ phim gặt hái các giải thưởng lớn có câu chuyện tưởng chừng rất địa phương nhưng ẩn đằng sau lại là những vấn đề đầy nhân bản. Ở phương diện phòng vé, các tác phẩm thành công cũng phải thỏa mãn nhu cầu của số đông khán giả, ít nhất về mặt giải trí.
Trước câu hỏi “Làm thế nào để hài hòa giữa tính bản địa và yếu tố quốc tế trong cùng một tác phẩm?”, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng: “Tôi nghĩ đã là tính bản địa thì cần giữ sự nguyên bản, khó có thể hài hòa với yếu tố quốc tế. Vì chỉ cần khác đi một chút, nó không thể được gọi là bản địa. Có chăng yếu tố quốc tế ở đây nên được hiểu là kỹ thuật làm phim, máy móc… Còn những cốt lõi về giá trị và yếu tố văn hóa của bộ phim thì cần giữ đúng nguyên bản”.
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, chất lượng phim Việt tương đối “thất thường”. Về mặt kỹ thuật cơ bản, điện ảnh Việt khá sát với các nước trong khu vực ở một số thể loại phim; một số phim cần các cảnh dàn dựng lớn như phim lịch sử, chiến tranh hoặc kỹ xảo điện ảnh phức tạp… vẫn còn khá xa với thế giới bởi nhiều lý do khác nhau.
Bên cạnh đó, việc chưa có sự quan tâm tương xứng dành cho các nhà làm phim độc lập cũng là điều khác biệt và chưa tiệm cận với các nền điện ảnh khác khi họ đang nỗ lực hỗ trợ các nhà làm phim, tạo ra các điểm tựa giúp nhà làm phim vươn xa ra thế giới.