Hội thảo đã tập trung thảo luận, trao đổi làm rõ những nội dung như: thực trạng, sự tác động và giải pháp bảo tồn nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông đen Sa Pa. Những vấn đề cơ bản đặt ra cần quan tâm dưới góc độ văn hóa và quản lý, định hướng phát triển. Những tác động của tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giao thoa văn hóa địa phương, quốc gia, quốc tế đối với việc duy trì, bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn thị xã Sa Pa; Đề xuất, kiến nghị và đưa ra các giải pháp về cơ chế chính sách, các nhiệm vụ, dự án cần triển khai nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đó.
Một số ý kiến tham luận của các chuyên gia, đại biểu tham dự đã nêu: Cần xác định rõ những hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông đen, tránh nhầm lẫn với những ngành Mông khác; cần khảo sát lập lại sơ đồ phân bố trang phục của người Mông đen, với 11 địa phương thay vì 13 địa phương có người Mông đen sinh sống như khảo sát ban đầu, để việc lập hồ sơ được chuẩn xác…
Dự kiến, sẽ sớm trình hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Mông đen Sa Pa là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và tổ chức công bố trong Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa diễn ra trong tháng 9 tới.