Được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, thành phố Hà Nội hiện sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có 20 bảo vật quốc gia. Hội tụ những giá trị thẩm mỹ đặc sắc, dấu ấn văn hóa tiêu biểu của từng thời kỳ lịch sử, những bảo vật quốc gia cần được bảo quản, "tỏa sáng" giá trị tương xứng với vai trò, vị trí của hiện vật trong đời sống đương đại.
Khách du lịch tham quan bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những bảo vật quốc gia của thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang
Thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị
Sau đợt công nhận bảo vật quốc gia mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (đợt 10, năm 2021), tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25-12-2021, Thủ đô Hà Nội có thêm 2 hiện vật, nhóm hiện vật (lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long; hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long) được đưa vào danh mục, nâng tổng số bảo vật quốc gia hiện có ở Hà Nội lên 20 hiện vật. Không chỉ đa dạng về số lượng, những bảo vật quốc gia ở Hà Nội còn góp phần khẳng định dấu ấn tinh hoa, bản lĩnh văn hóa của mảnh đất Thăng Long suốt chiều dài lịch sử.
Chẳng hạn, Hà Nội có các bảo vật quốc gia đại diện cho nền văn hóa Đông Sơn, như trống đồng Kinh Hoa, sưu tập khuôn đúc Cổ Loa. Thời Bắc thuộc, Hà Nội có chuông đồng Thanh Mai. Thời Lý, có Bộ thành bậc điện Kính thiên tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long hay tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm. Nhiều nhất phải kể đến những đại diện trải dài từ thời Lê, Mạc đến Lê Trung Hưng, gồm: 82 tấm bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tượng Trấn Vũ - đền Quán Thánh, bộ tượng 18 vị la hán ở chùa Tây Phương; tượng Phật Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Thánh Ân… Về loại hình, các bảo vật quốc gia được tạo tác từ nhiều chất liệu: Gốm, đồng, đá, gỗ...
Được coi là tài sản vô giá, bảo vật quốc gia đều là những di sản độc bản, hàm chứa giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này, về cơ bản, đến giờ không có nhiều khác biệt so với trước khi được công nhận. Ngoại trừ các di sản thuộc quản lý của Bảo tàng Hà Nội hay các di tích trọng điểm có “chế độ riêng” trong bảo quản, gìn giữ và phát huy giá trị, các bảo vật quốc gia khác nằm rải rác ở các địa phương, chế độ bảo quản phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện của cơ sở, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mai một, xuống cấp, khó lan tỏa giá trị một cách trọn vẹn.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho hay, vì là nhóm tượng thờ, bộ tượng 18 vị la hán ở chùa Tây Phương không thể tách rời vai trò tâm linh, tín ngưỡng, đồng nghĩa với việc khó tránh được những tác động của khí hậu, con người... Còn theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền Quán Thánh Bùi Hồng Sơn, dù đã có bảng biển và lực lượng an ninh thường xuyên nhắc nhở, song người dân vẫn duy trì thói quen xoa chân tượng, ảnh hưởng xấu đến việc bảo quản hiện vật.
Trên thực tế, không ít di tích có bảo vật quốc gia không muốn mở rộng tôn vinh, quảng bá hiện vật, vì lo lắng đối tượng xấu rình rập, trong khi điều kiện, kinh nghiệm bảo vệ còn hạn chế. Có địa phương phải duy trì cách thức cất giấu bảo vật “luân phiên” để ngăn chặn nguy cơ mất cắp; nhiều nơi không gắn đặt biển giới thiệu bảo vật quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát huy giá trị. Chủ tịch UBND xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) Tô Hữu Vịnh thừa nhận, bảo vật là tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm tại địa phương hiện chưa có chương trình, kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị.
Bảo vật quốc gia - tượng đôi sư tử đá tại đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm).
Cần một chính sách riêng
Là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đất nước, bảo vật quốc gia cần có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm với vai trò, vị trí của di sản trong đời sống đương đại.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, các địa phương cần thực hiện báo cáo định kỳ về hiện trạng bảo vật, kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường của di sản; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động riêng; đồng thời, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật. Cùng với đó, ngành Văn hóa Hà Nội cần đề xuất với thành phố sớm có những quy định cụ thể về cơ chế, chính sách dành riêng cho công tác bảo tồn, khai thác bảo vật.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tuân thủ các quy trình thẩm định, lưu giữ theo quy định; mời các chuyên gia có kinh nghiệm hướng dẫn quy trình bảo quản, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuống cấp của bảo vật. Sở cũng đã đề nghị các địa phương xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt; xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị gắn với tuyên truyền, bảo vệ để bảo vật "tỏa sáng" được giá trị của mình.
Còn theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bảo vật gắn với hoạt động du lịch là hướng phát huy giá trị bảo vật của đơn vị trong thời gian tới. “Bảo vật quốc gia sẽ được đưa vào hệ thống trưng bày thường xuyên sắp tới của Bảo tàng với thiết bị bảo quản hiện đại cùng hệ thống tủ trưng bày bắt mắt. Đơn vị cũng dự kiến áp dụng công nghệ 3D đối với những hiện vật là bảo vật quốc gia, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng và quảng bá đến với du khách nước ngoài”, ông Nguyễn Tiến Đà cho hay.