Nằm gần trục đường liên xã, căn homestay đầu tiên ở thôn Lả Dì Thàng (xã Tả Van Chư) đang ở giai đoạn hoàn thiện những khâu cuối để đi vào hoạt động. 5 năm trước, cũng như bao người dân ở xã Tả Van Chư, mỗi năm, gia đình anh Sùng Seo Sếnh chỉ trông chờ vào ruộng lúa, nương ngô. Song từ khi cây lê, cây mận, cây dược liệu đương quy, cát cánh xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi. Ban đầu, anh Sếnh trồng cây ăn quả và cây dược liệu chỉ với mục đích kinh doanh nông sản. Thế nhưng, vài năm gần đây, mỗi mùa hoa mận, hoa lê và cát cánh, các hộ dân ở Lả Dì Thàng lại có thêm thu nhập từ đón các đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh.
Nắm bắt xu thế, anh Sếnh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư xây dựng homestay với mong muốn có thêm thu nhập để làm giàu trên chính quê hương. “Mỗi năm tôi thu gần 100 triệu đồng từ cây ăn quả và dược liệu. Năm 2023, gia đình đã thoát nghèo”, anh Sếnh phấn khởi cho biết.
Là 1 trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai nhưng liên tục nhiều năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Hoàng Thu Phố đều giảm trên 10%/năm. Riêng năm 2024, xã dự kiến giảm trên 12%, đến năm 2025, Hoàng Thu Phố phấn đấu thoát khỏi nhóm 10 xã nghèo nhất của tỉnh.
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: Từ chỗ chưa tin, chưa làm, giờ đây, đã có hơn 50 hộ dân trên địa bàn xã chuyển đổi hơn 100 ha đất trồng các loại cây giá trị kinh tế thấp sang trồng lê, cát cánh, đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định. Năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 29,8 triệu đồng/người.
Để sớm đưa Bắc Hà thoát khỏi huyện nghèo, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 01 về việc hỗ trợ huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2022 – 2025, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự tham gia của người dân, huy động mọi nguồn lực thực hiện; trong đó việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và nguồn lực của địa phương để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề án.
Huyện Bắc Hà xác định tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp chính, gồm: chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, giáo dục thực hiện mục tiêu giảm nghèo; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm việc làm, tăng thu nhập của người nghèo, hộ nghèo; quản lý, phát triển đột phá thể thao và du lịch, dịch vụ, thương mại.
Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội của Bắc Hà đã có những chuyển biến tích cực. Toàn huyện đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; giá trị kinh tế trên 1 ha canh tác đạt gần 70 triệu đồng. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh và vượt mục tiêu đề ra, bình quân hằng năm đạt trên 8,43%; trong đó, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 9,7%/năm.
Đặc biệt, năm 2023, huyện giảm được 1.268 hộ nghèo, đạt 9,16% và là huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh. Thu nhập bình quân người dân trên địa bàn đạt 45,38 triệu đồng/năm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lao động được giới thiệu, giải quyết việc làm mới của huyện là gần 5.800 người; trong đó, hỗ trợ gần 2.700 lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh…
Ông Trần Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Hoàn lưu bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại cho huyện Bắc Hà gần 513 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu giảm nghèo năm 2024 và cả giai đoạn.
Để tháo gỡ khó khăn, Bắc Hà tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của cả cộng đồng, tập trung toàn bộ nguồn lực đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả thiên tai; đánh giá chi tiết tác động, ảnh hưởng của thiên tai đến khả năng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các mục tiêu giảm nghèo, từ đó đề ra giải pháp hiệu quả.
Khó khăn, thách thức còn nhiều, song cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà vẫn quyết tâm sớm đưa địa phương thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Để làm được điều này, Bắc Hà xác định cần phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; phân công đảng viên ở chi bộ thôn, bản, tổ dân phố giúp đỡ hộ nghèo; đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chí đánh giá cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cuối năm; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế…
Bên cạnh đó, tích cực đổi mới phong trào thi đua “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng.