- Trước hết, ông cho biết những nhiệm vụ chính được xác định trong Đề án 86?
Đề án 86 xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung thực hiện. Trước hết, đối với diện tích các tổ chức đề nghị giữ lại quản lý sử dụng: Thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất, đo đạc xác định tọa độ mốc, đường ranh giới và lập hồ sơ ranh giới; đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính; cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính cho 11 tổ chức, gồm 8 ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, thành phố (trừ thị xã Sa Pa), Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Đồn Biên phòng A Mú Sung; diện tích đất rừng do UBND cấp xã, cộng đồng dân cư quản lý sử dụng.
Theo đó, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, gồm công tác chuẩn bị; rà soát, xác định ranh giới với chiều dài 9.491 km; cắm mốc, đo đạc xác định tọa độ mốc và đường ranh giới sử dụng đất (8.127 mốc); lập bản đồ xác nhận đường ranh giới, sử dụng đất (9.491 km); đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 đối với 104.368 ha; lập hồ sơ ranh giới cho 11 tổ chức (trên địa bàn 148 xã).
Lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 177 hồ sơ; tích hợp dữ liệu địa chính đất có nguồn gốc nông - lâm trường, đất rừng do UBND cấp xã quản lý vào cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương cho 11 tổ chức sử dụng đất, với 148 xã.
Đối với diện tích bàn giao về cho địa phương quản lý sử dụng: Đo đạc, lập mới bản đồ địa chính (31.252 ha), trong đó tỷ lệ 1:2.000 là 18.606 ha, tỷ lệ 1:5.000 là 12.646 ha; lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận 10.734 hồ sơ; tích hợp dữ liệu địa chính diện tích đất các tổ chức, cộng đồng dân cư giữ lại quản lý sử dụng và diện tích đất bàn giao về cho địa phương quản lý tại 148 xã với 25.470,53 ha và 260.000 thửa đất.
- Trong quá trình triển khai, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết là gì, thưa ông?
Việc triển khai Đề án 86 được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định có những vướng mắc. Đó là việc xác định ranh giới sử dụng đất của các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và hộ gia đình, cá nhân rất khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện triển khai tại các xã vùng cao gặp nhiều khó khăn do yếu tố địa hình, thời tiết.
Theo Nghị định 118 ngày 17/12/2014 của Chính phủ thì kinh phí thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông - lâm trường quốc doanh do ngân sách địa phương đảm bảo, tuy nhiên, với nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn thấp và phải tập trung đầu tư cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác nên chưa bố trí đủ kinh phí để triển khai, thực hiện đề án.
- Tính đến thời điểm này, tiến độ thực hiện Đề án 86 ra sao, thưa ông?
Căn cứ kết quả triển khai thực hiện của UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến nay, cơ bản tiến độ của các địa phương đều chậm so với mục tiêu của đề án. Theo Kế hoạch số 65/KH-BCĐ, đến hết tháng 6/2024, các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành 100% việc xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất cho các tổ chức và đến tháng 8/2024 phải hoàn thành lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến độ thi công của các địa phương đến nay mới đạt khoảng 60 - 75% khối lượng hạng mục công việc này, trong đó một số địa phương đạt thấp do mới triển khai thực hiện (huyện Bảo Thắng mới đạt khoảng 45%), huyện Văn Bàn đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công hạng mục này.
- Thời gian hoàn thành Đề án 86 không còn nhiều, thời gian tới, các ngành, địa phương sẽ phải làm gì, thưa ông?
Xác định việc triển khai hoàn thành đề án là nhiệm vụ rất quan trọng, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 86 cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, tại cấp huyện thành lập ban chỉ đạo do đồng chí chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; tại cấp xã thành lập ban chỉ đạo do đồng chí bí thư đảng ủy xã làm trưởng ban.
Đối với cấp tỉnh, tiếp tục tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện. Tiếp tục triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng địa phương; thu hút lao động địa phương tham gia các hoạt động dịch vụ, du lịch và bảo vệ rừng. Hỗ trợ người dân chuyển đổi từ canh tác nương tạm thời sang canh tác bền vững theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai; có cơ chế khen thưởng đối với các địa phương làm tốt và ngược lại.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tiếp tục bám sát nội dung đề án được phê duyệt, Kế hoạch 65 ngày 31/1/2024 của Ban Chỉ đạo của tỉnh và ý kiến chỉ đạo tại các thông báo kết luận của UBND tỉnh...
Chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị tư vấn, thi công tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ triển khai, xem xét, xử lý trách nhiệm của các đơn vị thi công không đáp ứng yêu cầu năng lực...
- Trân trọng cảm ơn ông!