Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 13

Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 13

Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng, hướng tới đưa sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn; sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp thực hiện tiêu chí này.

2.jpg

Xã Thái Niên (Bảo Thắng) có lợi thế giao thông thuận lợi, diện tích đất sản xuất lớn với hơn 1.200 ha, trong đó diện tích đất bãi ven sông Hồng rất màu mỡ. Xác định thế mạnh về nông nghiệp, xã thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tế, xã rà soát các cây trồng phù hợp, từ đó định hướng cho người dân canh tác theo quy mô hàng hóa với cây rau, màu, cây ăn quả và trồng hoa.

Từ năm 2020 đến nay, Thái Niên có hơn 200 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi đất ruộng cấy lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả, với tổng diện tích 186 ha. Được biết, mỗi ha trồng rau, màu mang lại nguồn thu cho nông dân từ 135 - 160 triệu đồng. Hiện vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa của xã đã hình thành với hơn 25 ha rau, màu; 37 ha chè; 184 ha cây ăn quả (bưởi Múc, na); hơn 8 ha hoa...

4.jpg

Để thay đổi việc tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xã Thái Niên đã hỗ trợ thành lập hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác. Hiện nay, trên địa bàn có 1 hợp tác xã (Hợp tác xã bưởi Múc), thu hút gần 30 thành viên tham gia và 2 tổ hợp tác trồng rau, hoa đang hoạt động hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập trên 1 ha đất canh tác. Thu nhập bình quân người dân 5 tháng đầu năm của xã ước đạt 63 triệu đồng (tăng hơn 1 triệu đồng so với cùng kỳ), xã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.

Xã Cam Cọn (Bảo Yên) xác định thực hiện tiêu chí Tổ chức sản xuất là nền tảng để đạt các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Do đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ chỗ sản xuất dựa chủ yếu vào cây trồng truyền thống như lúa, ngô, sắn… đến nay, nông nghiệp ở Cam Cọn có bước chuyển mình tích cực. Một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng trên địa bàn xã như quế, chuối tiêu hồng, bưởi diễn, cà gai leo…

Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây là điển hình trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn xã Cam Cọn. Thành lập và đi vào hoạt động năm 2022 với ngành nghề chính là thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ vỏ quế, hợp tác xã nhanh chóng thu hút các hộ tham gia liên kết sản xuất. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu mua hơn 600 tấn nguyên liệu quế tươi, sản xuất ra các sản phẩm quế khô phục vụ xuất khẩu, giúp nâng cao giá trị cây quế tại địa phương. Bà Lý Thị Thủy, thôn Bỗng 2 cho biết: Trước đây, sau khi thu hoạch quế, gia đình phải thuê xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ (cách nhà hơn 20 km), chi phí tăng, lại mất thêm công lao động, đôi khi còn bị ép giá. Từ khi có hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây thu mua quế tận chân đồi, chúng tôi đỡ vất vả mà giá bán lại ổn định.

3.jpg

Anh Lý Văn Cầu, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây cho biết: Năm 2023, hợp tác xã đã làm hồ sơ đăng ký tham gia chương trình OCOP. Hiện nay, Hợp tác xã có 2 sản phẩm quế được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao.

Hiện xã Cam Cọn đã hình thành vùng sản xuất tập trung với 1.400 ha quế, 23 ha chuối ngự, 14 ha trồng bưởi diễn và mít thái. Trên địa bàn có 2 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ hoạt động hiệu quả; có 5 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã còn 12,3%, thu nhập bình quân người dân đạt 45 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển sản xuất gắn với thế mạnh của từng địa phương, việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất cũng là giải pháp quan trọng, tạo bước ngoặt trong phát triển sản xuất ở nhiều nơi. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012; hướng dẫn thực hiện kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện toàn tỉnh có 214 hợp tác xã nông nghiệp, 336 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động; 150 trang trại chăn nuôi, trồng trọt; 36 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân và 26 hợp tác xã tham gia liên kết với các hộ nông dân... Quy mô liên kết ước đạt 11.575 ha, với 12.328 hộ tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.283 tỷ đồng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, các địa phương tích cực phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó giúp kinh tế - xã hội ngày thêm khởi sắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thì tiêu chí Tổ chức sản xuất có nhiều chỉ tiêu mới so với giai đoạn trước. Thực tế tại một số địa phương, mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm chưa nhiều, thiếu bền vững; tỷ lệ số xã ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của địa phương còn thấp; vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng trồng còn hạn chế…

Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Với mục tiêu năm 2024 toàn tỉnh có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng tiêu chí, trong đó chú trọng tiêu chí số 13; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đề ra những giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Điện lực Bảo Thắng đảm bảo an toàn thi công dự án đường dây 500 kV đoạn Lào Cai - Vĩnh Yên

Điện lực Bảo Thắng đảm bảo an toàn thi công dự án đường dây 500 kV đoạn Lào Cai - Vĩnh Yên

Trong những ngày qua, dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên đang bước vào giai đoạn thi công nước rút. Là đơn vị trực tiếp quản lý lưới điện trên địa bàn, Điện lực Bảo Thắng (Công ty Điện lực Lào Cai) đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn điện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kéo dây.

Giá trị mới từ phụ phẩm lâm nghiệp

Giá trị mới từ phụ phẩm lâm nghiệp

Tại huyện Bảo Yên, những phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, cành, ngọn, mùn cưa, ván vụn… vốn bị xem là rác thải, nay đang được “hồi sinh” thành viên nén sinh học, một sản phẩm có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xử lý chất thải trong ngành chế biến lâm sản mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương.

Sớm xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng

Sớm xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng

Nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng thị trường hóa có lộ trình, kiểm soát chặt chẽ.

Công nhân Điện lực gắn biển cảnh báo an toàn lên những cây cao có nguy cơ đổ vào đường dây điện.

Tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện

Với hơn 3.400 km đường dây trung, cao thế và 1.871 trạm biến áp, phục vụ hơn 221 nghìn khách hàng trên toàn tỉnh, hàng năm, Công ty Ðiện lực Lào Cai đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, đặc biệt là lưới điện cao áp. Từ đó đề phòng sự cố, giúp việc cấp điện diễn ra an toàn, ổn định.

Xử lý nghiêm tình trạng thao túng thị trường vật liệu xây dựng

Xử lý nghiêm tình trạng thao túng thị trường vật liệu xây dựng

Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 85/CĐ-TTg yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương tăng cường giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng; ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, đội giá và có dấu hiệu thao túng, lũng đoạn thị trường vật liệu xây dựng.

fb yt zl tw