Đến Trường Tiểu học Bắc Cường (phường Bắc Cường), dự tiết học Toán tại lớp 3A8, chúng tôi bất ngờ khi không khí của giờ học không căng thẳng như suy nghĩ của nhiều người, học sinh rất vui vẻ và thích thú. Để có được tiết học như vậy, giáo viên đã áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, máy tính được kết nối với màn hình tương tác trong lớp, các phần mềm như OLM, Kahoot, Quizizz, VioEdu… trở thành công cụ liên kết với học sinh, giúp các em tham gia nhiều trò chơi trong quá trình học tập.
Tại Trường Tiểu học Bắc Cường, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý được cán bộ, giáo viên thực hiện từ năm học 2019 - 2020. Đến nay, 100% lớp học được trang bị máy tính, máy chiếu, tivi... đường truyền internet và hệ thống mạng không dây. Đặc biệt, trong 45 lớp học, có 10 lớp đang áp dụng mô hình lớp học thông minh (học sinh học bằng máy tính trong không gian ảo).
Trường cũng khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, quản trị, điều hành (phần mềm quản lý nhân sự, quản lý học sinh, tương tác với cha mẹ học sinh...); sử dụng hiệu quả hồ sơ, sổ sách điện tử, phần mềm kiểm định chất lượng, đồng thời đẩy mạnh thu - chi không dùng tiền mặt, tuyển sinh trực tuyến.
Giáo viên của trường thường xuyên phổ cập thêm kiến thức về chuyển đổi số. Hiện tại, trường có 10 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi công nghệ số cấp thành phố, 4 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi công nghệ số cấp tỉnh, 100% giáo viên đã ứng dụng các phần mềm trong thiết kế bài giảng. Nhiều bài giảng số được giáo viên và học sinh thực hiện, như lớp học gmail, lớp học ảo, tổ chức các tiết học kết nối… Trong năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Bắc Cường đã thực hiện 615 tiết học kết nối, trong đó có 100 tiết dạy kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Bắc Lệnh) là 1 trong 2 đơn vị nằm trong kế hoạch xây dựng điển hình về chuyển đổi số toàn diện của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Thời gian qua, nhà trường đã tranh thủ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị dạy học. Giáo viên của trường sử dụng công nghệ thông tin trong soạn bài giảng, thiết kế các hoạt động giáo dục, như sử dụng các phần mềm đổi mới phương pháp học tập; triển khai việc dạy học và kiểm tra, đánh giá online trên hệ thống LMS; nhiều tiết học được kết nối với các trường trong tỉnh và nước ngoài... Đặc biệt, nhà trường xây dựng mô hình phòng tư vấn học đường trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia nhằm hỗ trợ kịp thời các vấn đề về học đường cho học sinh.
Trên nền tảng ứng dụng các phần mềm, trường cũng tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hình thành phương pháp dạy và học hiện đại, phù hợp với xu hướng mới, trong đó giáo viên triển khai phương pháp dạy học theo dự án lớp học đảo ngược. Với phương pháp này, học sinh tham gia chủ động và chịu trách nhiệm với quá trình hình thành, củng cố và mở rộng kiến thức từ hoạt động tự học trực tuyến. Những tiết học ngày càng hấp dẫn, việc học trở nên đơn giản và hiệu quả hơn với học sinh.
Về công tác quản lý, Trường THCS Lý Tự Trọng đã triển khai chữ ký số cho 100% cán bộ, giáo viên, đồng thời số hóa hệ thống hồ sơ trong quản lý và điều hành, như sổ đánh giá học sinh, sổ đầu bài, học bạ điện tử, quản lý giáo án, sổ đăng bộ, lịch công tác… Trường cũng đưa vào sử dụng hệ thống điểm danh thông minh nhận diện bằng khuôn mặt thay vì điểm danh theo hình thức thủ công. Ngoài hệ thống điểm danh, các hoạt động trong nhà trường cũng được quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Cô giáo Cao Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Việc chuyển đổi số trong dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy hiện đại, giúp giáo viên và học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động.
Ngoài Trường Tiểu học Bắc Cường và Trường THCS Lý Tự Trọng, các trường học khác trên địa bàn thành phố cũng nỗ lực thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, về chuyển đổi số trong dạy học, thành phố có 29 trường đạt mức độ 1; 26 trường đạt mức độ 2 và 3 trường đạt mức độ 3. Trong khi đó, về chuyển đổi số trong quản trị, thành phố có 30 trường đạt mức độ 1; 27 trường đạt mức độ 2 và 1 trường đạt mức độ 3.
Ông Bùi Ngọc Minh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: Các trường trên địa bàn thành phố luôn tích cực khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Nhờ đó, công tác chuyển đổi số trong giáo dục của thành phố luôn đi đầu toàn tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hoạt động chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ nền tảng quản lý thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với hội nhập quốc tế.