Năm 2021, trong một lần đi nhận lương hưu, ông Ma Công Thắng (phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai) được nhân viên bảo hiểm xã hội hướng dẫn và hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng. Cũng từ đó đến nay, hằng tháng tiền lương được chuyển vào tài khoản mà ông không phải đến nhận như trước. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông vẫn được nhận lương hưu đúng ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai) nhờ con gái đăng ký mở tài khoản để nhận lương hưu hằng tháng gần 1 năm nay. Bà Kim cho biết, đúng ngày là ngân hàng tự động chuyển tiền vào tài khoản nên không phải nhờ con cháu đưa đến điểm chi trả lương hưu như trước. Mỗi lần có lương hưu, bà lại đưa thẻ nhờ con gái ra cây ATM rút dần về để chi tiêu chứ không để nhiều tiền mặt trong nhà. Bây giờ sức khỏe của bà giảm, việc nhận lương qua tài khoản càng tiện lợi hơn. Mặt khác, có tiền trong tài khoản, bà dễ dàng thanh toán hóa đơn điện, nước.
Hiện nay, việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện bằng 2 hình thức là qua tài khoản ngân hàng và trực tiếp bằng tiền mặt. Bảo hiểm Xã hội tỉnh đang chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho 24.104 người.
Ước tính đến hết tháng 6/2023, có 50% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 81,2% người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần; 99,6% người nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân.
Có nhiều nguyên nhân khiến số người nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng còn chiếm tỷ lệ thấp. Một phần do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của đa số người dân còn rất phổ biến nên muốn nhận trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hằng ngày. Mặt khác, do đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đa phần là người cao tuổi nên hạn chế trong sử dụng công nghệ mới; hạ tầng của các ngân hàng thương mại, hệ thống máy ATM chưa đáp ứng được ở vùng nông thôn…
Thực hiện Chỉ thị số 22 ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu chuyển từ hình thức nhận tiền mặt sang tài khoản cá nhân. Tại các kỳ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, cán bộ bảo hiểm xã hội các địa phương trực tiếp đến các điểm chi trả và phối hợp với nhân viên bưu điện xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng, chuyển hình thức nhận lương hưu từ tiền mặt sang nhận qua tài khoản cá nhân.
Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết, thực tế cho thấy việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp người hưởng tiết kiệm thời gian, công sức và tránh rủi ro tiền giả, đặc biệt là bảo đảm an toàn cá nhân, góp phần hạn chế tình trạng chậm chi trả. Với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực trong quản lý, giao nhận, kiểm đếm, gia tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ ổn định trật tự xã hội.
Để tăng cường chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã có Văn bản số 722 ngày 24/2/2023 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người hưởng chuyển đổi hình thức nhận bằng tiền mặt sang hình thức nhận bằng tài khoản; giao chỉ tiêu cho từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, trong đó tập trung vào nhóm người hưởng lương và trợ cấp hằng tháng dưới 65 tuổi, đặc biệt là nhóm người hưởng mới, người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng cao tuổi, già yếu ủy quyền cho thân nhân lĩnh thay; vận động, khuyến khích ngay từ khi lập hồ sơ hưởng đối với người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần. Bên cạnh đó, hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động khi lập hồ sơ hưởng các chế độ cho người lao động kê khai số tài khoản cá nhân của người lao động để cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả…