Dấu xưa Lão Nhai

Trong ký ức của nhiều người dân thành phố Lào Cai, Lão Nhai là một hình ảnh quen thuộc, đầy ắp những câu chuyện xưa cũ, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của thành phố.

Ngày nay, khi dạo bước trên phố Phan Bội Châu hay đường Nguyễn Huệ, thuộc khu vực phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, ít ai biết rằng hàng trăm năm trước, nơi đây từng là một phố chợ ven sông, trên bến dưới thuyền - nơi giao thương sầm uất giữa Việt Nam và Trung Quốc.

5287.jpg
Đoạn đường Nguyễn Huệ dẫn ra Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là một phần của phố chợ Lão Nhai xưa.

Phố chợ Lão Nhai nằm ở vị trí đặc biệt, nơi ngã ba sông biên giới giữa sông Hồng và sông Nậm Thi. Theo sách “Tên làng xã Việt Nam” viết vào những năm 1810 - 1813, đời Gia Long (nhà Nguyễn), khu đô thị cổ Lão Nhai thuộc trại Bảo Thắng, gọi là “Bảo Thắng quan” gồm toàn bộ phần đất phường Lào Cai ngày nay. Trung tâm khu phố cổ Lão Nhai là đường Nguyễn Huệ, đoạn từ cầu Cốc Lếu đến cửa khẩu. Danh xưng Lào Cai ngày nay có lẽ được gọi chệch từ Lão Nhai mà ra và thành phố Lào Cai cũng đã manh nha hình thành từ phố chợ thuở xa xưa ấy.

111.jpg
Một góc Phố Mới chính là khu Tân Nhai trước đây, nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.

Thời nhà Nguyễn, khu đô thị cổ này được mở rộng xuống ven sông Hồng gọi là khu Tân Nhai (Phố Mới) và mở rộng sang bên kia sông Hồng, nơi có nhiều cây gạo với tên gọi khu Cốc Lếu. Đồng thời, bên khu phố cổ Lão Nhai, cạnh sông Nậm Thi có một con phố nhỏ tên gọi Phố Tèo, ngay dưới chân đồi Hỏa Hiệu - nơi ghi dấu công cuộc giữ gìn bờ cõi của vua, tôi nhà Trần.

200.jpg
Phố Tèo xưa (Ảnh: Tư liệu đầu thế kỷ XX).
5265.jpg
5278.jpg
Phố Tèo xưa được đổi tên thành phố Phan Bội Châu.

Từng có kiến giải, Phố Tèo thực chất là con phố nhỏ làm khu ở trọ cho những người phục dịch việc giao thương, mà phần lớn là mã phu đoàn (dân chăn ngựa thồ). Mỗi khi có việc cần thuê ngựa, thuê người bốc vác, những nhà buôn người Hoa thường hay tìm đến đây và gọi tên là "Xiao zhen" - nghĩa là phố nhỏ. Phố Lão Nhai, với những ngôi nhà giản dị và những hàng quán tấp nập, là điểm đến quen thuộc của nhiều thương nhân từ khắp nơi.

Một cách lý giải khác, khi thực dân Pháp đánh chiếm Lào Cai vào năm 1886, họ bắt đầu lập lại trật tự ở khu vực Bảo Thắng quan. Thấy tên "Xiao zhen" khó gọi, người Pháp đã gọi lái thành "Phố Tèo". Từ đó, cái tên Phố Tèo trở nên phổ biến, được người dân trong khu vực sử dụng.

Cũng có ý kiến cho rằng tên Phố Tèo xuất hiện sau khi người Pháp khởi công xây dựng tuyến đường sắt Việt - Điền (Hà Nội - Côn Minh) vào năm 1898. Khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động, sự tan rã của mã phu đoàn đã diễn ra, khiến khu phố dần trở nên vắng vẻ, chỉ còn lèo tèo vài dãy nhà lụp xụp ven sông.

202.jpg
Giao thương của cư dân biên giới Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) ở khu vực cửa khẩu Lào Cai đầu thế kỷ XX (Ảnh: Tư liệu).
5297.jpg
Lão Nhai cầu nối giao thương nay đã là cửa khẩu quốc tế.

Lão Nhai không chỉ là cầu nối giao thương nổi tiếng, mà còn là một phần của nền văn minh sông Hồng thời kỳ dựng nước. Những hiện vật khảo cổ học tìm thấy trên khu vực thị xã Lào Cai như lưỡi cày đồng, rìu đồng, trống đồng… chứng tỏ rằng nơi đây đã từng có một cộng đồng người cổ đại sinh sống từ trên dưới 3.000 năm trước. Với vị trí thuận lợi nằm ở ngã ba sông, vào đầu công nguyên, Lão Nhai đã sớm hình thành một khu đô thị và nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng ven bờ sông Cối (sông Hồng).

201.jpg
Cầu Hồ Kiều khi mới xây dựng đầu thế kỷ XX (Ảnh: Tư liệu).

Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng. Đến thời Âu Lạc, nơi đây thuộc bộ lạc Tây Vu. Khi nước ta giành độc lập với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, khu đô thị Lào Cai thuộc Châu Đăng dưới thời Nhà Lý. Qua nhiều triều đại, từ nhà Trần đến nhà Lê và nhà Nguyễn, địa danh này luôn được coi trọng và là một phần quan trọng trong hệ thống hành chính của quốc gia. Đến năm 1907, thực dân Pháp thành lập tỉnh Lào Cai, gồm thị xã Lào Cai và nhiều khu vực lân cận, với tổng diện tích 5.177 km², có 15 dân tộc với 6 vạn dân.

204.jpg
205.jpg
Tường thành cổ Lưu Vĩnh Phúc tại khu vực Đền Mẫu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.

Sau khi tỉnh Lào Cai được giải phóng khỏi ách Quốc dân Đảng vào tháng 11/1946, chính quyền chia tỉnh, thành 8 đơn vị hành chính. Thị xã Lào Cai gồm ba khu: Lao Cai, Cốc Lếu, Phố Mới. Sau ngày hòa bình lập lại, thị xã Lào Cai được mở rộng và chia thành nhiều khu khác nhau. Qua biến cố lịch sử, địa danh Lão Nhai đã trải qua nhiều lần thay đổi và sáp nhập, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa và lịch sử quý báu.

203.jpg
Tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua địa phận phường Lào Cai.

Lão Nhai xưa là một phần của thành phố Lào Cai ngày nay, vẫn khẳng định vị trí giao thương nhộn nhịp từ hàng trăm năm trước với nước bạn Trung Quốc. Thành phố Lào Cai - đô thị trung tâm tỉnh lỵ ven biên duy nhất trong cả nước, có cửa khẩu quốc tế và tuyến đường sắt liên vận quốc tế, là cửa ngõ nối các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Trong tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18 - 20/8/2024, phía Trung Quốc đồng ý cung cấp, hỗ trợ để Việt Nam xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (1.435 mm). Trong tương lai, khi tuyến được sắt được mở rộng khổ, nâng cao năng lực vận tải, cùng với dự án Cảng Hàng không Sa Pa khởi công xây dựng và đi vào hoạt động sẽ tiếp củng cố rõ nét hơn vị trí cửa ngõ của thành phố Lào Cai.

Phố Tèo giờ đã đổi tên thành phố Phan Bội Châu, nhà cửa mọc lên san sát to đẹp, nhưng trong ký ức của nhiều người dân Lào Cai vẫn lưu giữ hình ảnh một con phố nhỏ ven sông thân thương, với bộn bề khó khăn của những ngày đầu tái lập.

8194.jpg
Thành phố Lào Cai là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Từ Lão Nhai đến Lào Cai, từ phố nhỏ đến thành phố Lào Cai là hành trình dài với biết bao thăng trầm của lịch sử. Hôm nay, thành phố Lào Cai - nơi con sông Hồng trọn vẹn đôi bờ chảy vào lòng đất Việt đã thực sự to đẹp và hiện đại. Địa giới hành chính cũng mở rộng gấp nhiều lần với 17 xã, phường, lấy sông Hồng làm trục đối xứng đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh. Nhưng dấu ấn của Lão Nhai xưa vẫn còn hiện diện qua những câu chuyện, những di tích lịch sử và giá trị văn hóa bản địa.

5.jpg
Thành phố Lào Cai hôm nay đẹp như dải lụa là sự hình thành, phát triển tiếp nối từ phố chợ Lão Nhai thuở xa xưa (Ảnh: Ngọc Bằng).

Dấu xưa Lão Nhai không chỉ là câu chuyện về một vùng đất, mà còn là câu chuyện về con người, về những giá trị lịch sử và văn hóa đã được gìn giữ qua hàng trăm năm. Lão Nhai, với tất cả những biến động và thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn là một phần quan trọng của Lào Cai, nơi lưu giữ ký ức và truyền thống của một vùng đất giàu đẹp, đầy tự hào.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đồ cũ trong không gian mới

Đồ cũ trong không gian mới

Cộng cà phê bên đường Xuân Viên, thị xã Sa Pa là một trong những quán cà phê mang phong cách bao cấp được nhiều khách du lịch lựa chọn check-in khi đến Sa Pa. Dễ nhận thấy ở Cộng là hàng ghế cũ kỹ, họa tiết công phượng từng rất thịnh hành ở những thập niên trước. Những chiếc ca sứ sứt mẻ vì thời gian, bộ quân phục cũ cũng được sử dụng như món đồ trang trí, tạo điểm nhấn trong quán. Đồ đạc bày trí, vật dụng trong quán, màu sắc… đều gợi nét hoài cổ.

Cảm mến Lào Cai qua từng nét vẽ

Cảm mến Lào Cai qua từng nét vẽ

Ai đó đã từng nói rằng, vùng đất thơ mộng Lào Cai dù còn nhiều gian khó nhưng lại là nơi mang lại nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho thi ca, cho những sáng tác nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực, như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc... Rất nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia khi đặt chân đến mảnh đất biên cương Lào Cai đều bị cảm mến bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những sắc màu văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

[Ảnh] Đặc sắc văn hóa dân tộc Xá Phó ở Sa Pa

[Ảnh] Đặc sắc văn hóa dân tộc Xá Phó ở Sa Pa

Tại thị xã Sa Pa, người Xá Phó sống quần cư ở xã Liên Minh (trước là xã Nậm Sài) với 125 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu. Mặc dù là dân tộc có số dân ít nhất của thị xã, nhưng người Xá Phó ở Sa Pa lại có những nét văn hóa đặc sắc, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Người say nghiệp văn chương

Người say nghiệp văn chương

Đoàn Hữu Nam cho biết: Năm 1975, anh nghỉ học giữa chừng chỉ vì gia đình nghèo khó, bố mẹ luôn đau yếu, chẳng có tiền học tiếp… Năm đó, có một công ty cầu đường ở Yên Bái về tận Hà Nam tuyển công nhân, anh dự tuyển, hy vọng được đi làm để bớt gánh nặng cho gia đình. Gần 18 tuổi mà người nhỏ thó, còm nhom, Đoàn Hữu Nam “còm” nhất trong số 160 người được tuyển dụng.

Hai nhà báo Việt Nam nhận Học bổng Lãnh đạo Truyền thông Trẻ Temasek Foundation 2024

Hai nhà báo Việt Nam nhận Học bổng Lãnh đạo Truyền thông Trẻ Temasek Foundation 2024

Diễn đàn Biên tập viên Khu vực châu Á, thuộc mạng lưới WAN-IFRA, đã công bố danh sách 23 nhà lãnh đạo trẻ triển vọng từ ngành truyền thông châu Á được chọn tham gia chương trình Học bổng Lãnh đạo Truyền thông Trẻ Temasek Foundation 2024. Trong số này, có 2 nhà báo đến từ Việt Nam là Thi Uyên, phóng viên Báo Nhân Dân, và Đậu Tiến Đạt, phóng viên Báo Thanh Niên.

Phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lần đầu tiên, cuộc thi tìm hiểu về cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được phát động thi tìm hiểu trực tuyến theo từng tuần. Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

fbytzltw