LCĐT - Cùng với duy trì nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, góp phần hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động.
Trên công trường khai thác quặng đồng. |
Trước khi bước vào ca làm việc, anh Đặng Xuân Sơn, công nhân Phân xưởng Hỏa luyện Nhà máy Luyện đồng Bản Qua thuộc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai luôn chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động như quần, áo, mũ, giày, găng tay, khẩu trang, kính chuyên dụng... Anh Sơn chia sẻ: Kỹ sư, công nhân làm việc tại phân xưởng phải tiếp xúc gần với lò hỏa luyện trên 1.000 độ C có nguy cơ tai nạn nên chấp hành quy định của đơn vị về đảm bảo an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Trong khi làm việc, mỗi người luôn trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, đồng thời giữ môi trường làm việc sạch sẽ, sắp xếp dụng cụ ngăn nắp, khoa học. Những kỹ sư, công nhân làm việc tại phân xưởng đều là những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thao tác vận hành dây chuyền sản xuất chính xác, an toàn.
Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai hiện có hơn 1.100 kỹ sư, công nhân đang làm việc tại Nhà máy Luyện đồng Tằng Loỏng (Bảo Thắng) và Nhà máy Luyện đồng Bản Qua (Bát Xát). Phó Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Đoàn Vũ Long cho biết: Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp luyện kim và hóa chất, từng vị trí trong các phân xưởng của nhà máy đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Những năm qua, cùng với chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường được lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm. Ở những vị trí, công đoạn sản xuất có nguy cơ tai nạn cao đều được trang bị đầy đủ đồ dùng chuyên dụng. Đặc biệt, mỗi phân xưởng đều có tổ an toàn lao động, nhiệm vụ thường xuyên là tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn trong từng công đoạn sản xuất, kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn để có phương án khắc phục nhanh. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, công nhân và phát động phong trào xanh - sạch - đẹp, thực hiện an toàn, vệ sinh lao động nơi làm việc, góp phần cải thiện ngày càng tốt hơn về điều kiện làm việc của người lao động.
Công nhân Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai trong ca sản xuất. |
Là đơn vị khai thác, tuyển quặng đồng quy mô lớn, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền (Bát Xát) đã xây dựng quy trình sản xuất, vận hành an toàn. Ông Trần Trọng Quỳnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền cho biết: Chi nhánh xây dựng, ban hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, duy trì và nâng cao hiệu quả của ban an toàn, vệ sinh lao động. Định kỳ tổ chức vệ sinh, bảo dưỡng máy móc, thiết bị nhằm phát hiện các sự cố, khắc phục yếu tố có nguy cơ gây mất an toàn; các khu vực sản xuất đều có biển báo, quy chế vận hành thiết bị, máy móc. Đặc biệt, đường trên khai trường ở một số vị trí có đảo phân cách (vòng xuyến), đường một chiều, lắp gương cầu lồi, biển báo, biển cấm... Cùng với đó, đơn vị trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ và bồi dưỡng sức khỏe cho người lao động…
Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Lào Cai có đặc thù làm việc chủ yếu trong môi trường có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm do thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, tiếng ồn, làm việc trên các tuyến đường giao thông… Do đó, công ty đã tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể người lao động thực hiện nghiêm công tác an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động; khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; phát động các phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống của công nhân; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa tai nạn.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 70.000 lao động. Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Sở đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người lao động trong các doanh nghiệp; tư vấn và hỗ trợ hoạt động huấn luyện an toàn cho người lao động lành nghề, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện các quy định về hợp đồng và nội quy lao động; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra về thực hiện an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp…
Thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp đã chủ động triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Có 100% doanh nghiệp nhà nước và nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã thành lập hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, bố trí cán bộ làm công tác này; xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng, chống cháy nổ; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, đầu tư cải thiện điều kiện lao động, sử dụng thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn cho người lao động.