LCĐT - Theo đánh giá của ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh, nguy cơ mất an toàn lao động dễ xảy ra tại các công trường khai thác mỏ và sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó nguy cơ rất cao là ở các mỏ khai thác đá.
Thời gian qua, đã có một số vụ tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ đá trên địa bàn thôn Tòng Già, thị trấn Nông trường Phong Hải hoặc mỏ đá tại xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng). Sau những vụ tai nạn, các doanh nghiệp khai thác đá đã quan tâm hơn đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động, tuy nhiên vẫn có công trường khai thác tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Công nhân lao động cheo leo trên vách đá. |
Chúng tôi có mặt tại mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần đầu tư Tân Hoàng Long tại thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng). Theo giới thiệu của ông Nguyễn Đình Chừ, Giám đốc điều hành mỏ thì hoạt động khai thác của đơn vị rất an toàn. Tuy nhiên, khi đến chân mỏ đá, chúng tôi thấy vách đá cao cả trăm mét dựng đứng, có khu vực mỏ nhìn từ ngoài vào chưa được cắt tầng khai thác, gây nguy hiểm cho người lao động. Trên vách đá dựng đứng, công nhân của công ty đang dùng máy khoan đá để khai thác. Ông Nguyễn Đình Chừ giải thích rằng khu vực này sắp hết thời hạn cấp phép nên đội khai thác đang chạy nước rút, mặc dù biết là nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Khi tiếp tục được gia hạn, công ty sẽ chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hơn.
Gặp chúng tôi tại khu mỏ đang khai thác, anh Hoàng Văn Ba, Tổ trưởng Tổ khai thác tại mỏ đá tâm sự: Mặc dù biết mình đang làm việc trong điều kiện rất nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm, manh áo mà anh và các công nhân khác vẫn phải làm.
Còn tại mỏ đá do Công ty Cổ phần Phú Hà khai thác đang có 22 lao động tham gia các quy trình khai thác và vận hành máy móc, với công suất 20 nghìn m3/tháng. Ông Nguyễn Xuân Khu, Giám đốc điều hành mỏ cho biết, hoạt động từ năm 2007 đến nay, khu mỏ của công ty chưa để xảy ra tai nạn lao động, nhưng cũng không vì thế mà chủ quan. Công ty luôn tập huấn các nội dung đảm bảo an toàn cho công nhân.
Xã Bản Cầm hiện có 5 mỏ khai thác đá, với 101 công nhân đang tham gia các công đoạn khai thác. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, một số đơn vị chưa phối hợp tốt trong việc kiểm tra an toàn lao động. Ông Lùng Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở đơn vị khai thác thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, nếu thời gian tới không có sự chuyển biến thì sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Dây chuyền khai thác đá của Công ty Cổ phần đầu tư Tân Hoàng Long tại thôn Bản Cầm. |
Thời gian qua, các vụ tai nạn lao động phần lớn xảy ra tại các doanh nghiệp khai thác mỏ và doanh nghiệp xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang bị nhưng chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động…
Bà Lương Thị Hoa, Trưởng Phòng Lao động, tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động, người lao động và người dân để phòng ngừa tai nạn lao động, nhất là trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng. Các ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, nhất là cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dễ xảy ra tai nạn lao động. Từ năm 2016 đến năm 2021, UBND tỉnh đã xử lý vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động đối với hơn 200 công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong các lĩnh vực nguy cơ cao như khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng...
Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho hơn 500 lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ mất an toàn cao; phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; đặc biệt là tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động từ các công ty, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động, hướng tới giảm tần suất tai nạn.