Theo đại biểu Lê Thu Hà, tại những nhà cao tầng, phố nhỏ, ngõ nhỏ, các phương tiện chữa cháy hiện có chưa thể tiếp cận, phát huy hiệu quả khi chữa cháy thì cần có quy định về ứng dụng phương tiện hiện đại như máy bay không người lái vào hoạt động chữa cháy.
Với Điều 11 “Về các hành vi bị nghiêm cấm”, dự thảo đã liệt kê ra nhiều hành vi nhưng rất khó có thể dự liệu hết được những hành vi khác có thể xảy ra, do đó đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định “các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật”.
Với Điều 13 về “Xây dựng lập dự án, xây dựng thiết kế công trình phương tiện giao thông cơ giới”, tại điểm b khoản 1 quy định “nguồn nước phục vụ phòng cháy chữa cháy”, đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, nếu chỉ quy định “nguồn nước” là chưa đủ mà cần bổ sung “nguồn điện phục vụ hoạt động phòng cháy và chữa cháy”. Tương tự, đại biểu cũng đề nghị bổ sung “nguồn điện” vào khoản 2 của Điều 13 để cho thống nhất.
Tại Điều 45 về “Thẩm quyền của chủ đầu tư và các cơ quan đầu tư”, tại khoản 4 có quy định nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình về phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, tại Điều 15 quy định chức năng để thẩm định và nghiệm thu các dự án, công trình cứu hộ, cứu nạn cho nhiều đối tượng trong khi chưa làm rõ là cơ quan chuyên môn là cơ quan nào? Người quyết định đầu tư trong thẩm định phòng cháy, chữa cháy là ai? Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan là như thế nào? Những điều này cần làm rõ và có quy định chặt chẽ để việc áp dụng được khả thi.
Đại biểu Lê Thu Hà dẫn chứng kinh nghiệm của cá nhân và tham khảo vấn đề này ở nước ngoài nhận thấy quy trình cấp phép, thẩm định, nghiệm thu chỉ giao 1 cơ quan đầu mối. Trong quá trình triển khai dự án sẽ có những kiểm tra, đánh giá theo từng giai đoạn trước khi cơ quan chức năng ban hành giấy phép để có chứng nhận nghiệm thu toàn bộ dự án.
Từ Điều 17 đến Điều 20 của Dự thảo Luật quy định về phòng cháy đối với nhà ở và phương tiện giao thông cơ giới, các cơ sở kinh doanh trong sử dụng điện, đại biểu Lê Thu Hà cho rằng một số quy định đang chung chung, thiếu tính khả thi. Đại biểu lấy ví dụ, quy định điều kiện đảm bảo phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh phải có “giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh phải bảo đảm các cơ sở bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy; phải có các phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, các thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống truyền tin báo cháy, sự cố, cập nhật khai báo dữ liệu; các giải pháp ngăn cháy, chống khói; lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc chuyên ngành theo quy định”. Đây đều là những nội dung rất khó áp dụng trên thực tế, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Điều 26 quy định “nguồn nước và vật liệu chữa cháy lấy từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh và được quy hoạch đầu tư xây dựng để đảm bảo phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy”. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thu Hà, kết quả giám sát mới đây của Quốc hội cho thấy các phố nhỏ, ngõ nhỏ, phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận được điểm cháy và điểm lấy nước.
Đại biểu Lê Thu Hà cũng bày tỏ lo lắng bởi các phương tiện chữa cháy như xe chuyên dụng, máy bơm, ca nô chữa cháy, mô tô chữa cháy, cứu hộ, phần lớn đã qua sử dụng trên 20 năm nên khó đáp ứng yêu cầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện nay. Nhiều chung cư cao tầng nếu xảy ra sự cố về cháy, nổ hay cần cứu nạn, cứu hộ, các phương tiện thông thường hiện nay rất khó tiếp cận, phát huy tác dụng; điều này cũng xảy ra với các khu dân cư, căn hộ nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ. Ý kiến của đại biểu là cần nghiên cứu, quy định về công nghệ tiên tiến trong phòng cháy, chữa cháy như sử dụng phương tiện bay không người lái.
Về Điều 53 quy định “mua bảo hiểm cháy, nổ với tài sản”, đại biểu Lê Thu Hà có ý kiến cần bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm và có sự thống nhất nội dung này với các văn bản luật có nội dung tương tự. “Nếu cần thiết thì sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm để việc áp dụng luật pháp được đồng bộ”, đại biểu Lê Thu Hà nói.