Thiết bị DAT lắp trên xe tập lái được quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ. Dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT được truyền về máy chủ của cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý từ ngày 15/6/2022 theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 26/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải.
Thông qua thiết bị và dữ liệu DAT, học viên học lái xe được học đủ thời gian và số km lái xe trên đường theo quy định, qua đó kỹ năng lái xe được nâng cao, góp phần bảo đảm an toàn giao thông; cơ sở đào tạo lái xe kiểm soát được công tác giảng dạy phù hợp với kế hoạch đào tạo, quản lý được việc sử dụng phương tiện cũng như sử dụng giáo viên dạy lái xe, để chủ động trong kế hoạch bảo dưỡng phương tiện và bảo đảm các quy định về sử dụng lao động.
Thông qua thiết bị giám sát, cơ quan quản lý có thể giảm bớt được việc kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe và xác định được các học viên đã hoàn thành đủ quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường, làm căn cứ để xét duyệt cho phép tham dự kỳ sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) - Lương Duyên Thống nhận định, việc ứng dụng thiết bị DAT để giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe là một nội dung mới đối với các cơ sở đào tạo lái xe cũng như cơ quan quản lý; thiết bị, phần mềm tiếp nhận, quản lý, phân tích và sử dụng dữ liệu lần đầu mới được nghiên cứu, áp dụng.
“Việc sử dụng thiết bị DAT đã tạo ra sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong quá trình đào tạo, phục vụ tích cực cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền", ông Lương Duyên Thống khẳng định.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trong việc khai thác, quản lý dữ liệu DAT là trình độ công nghệ thông tin của cán bộ tại các cơ sở đào tạo lái xe không đồng đều.
Trong thời gian đầu, các cơ sở đào tạo còn khá lúng túng khi thực hiện các quy định về truyền dữ liệu DAT cũng như hướng dẫn giáo viên vận hành thiết bị DAT.
Tại một số thời điểm, thiết bị DAT còn xảy ra hiện tượng hoạt động chưa ổn định, truyền dữ liệu DAT từ thiết bị lắp trên xe tập lái về máy chủ quản lý của cơ sở đào tạo bị gián đoạn.
“Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ công chức làm nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở các Sở Giao thông vận tải cũng hạn chế; phần mềm tiếp nhận, phân tích dữ liệu quản lý DAT mới đưa vào hoạt động, chưa có tính năng thông minh tự động phân tích các dữ liệu để phát hiện phiên học bị trùng xe tập lái, trùng học viên, trùng hành trình tại một thời điểm”.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cấp phần mềm tiếp nhận, phân tích dữ liệu quản lý DAT để tự động phát hiện các phiên học có dấu hiệu bất thường...
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam)
Sau khi ứng dụng thiết bị và qua quá trình thanh tra, kiểm tra, theo ông Thống, cơ quan quản lý đang tiếp thu, nghiên cứu để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện đúng quy định của pháp luật trong đào tạo lái xe.
Trong thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cấp phần mềm tiếp nhận, phân tích dữ liệu quản lý DAT để tự động phát hiện các phiên học có dấu hiệu bất thường, cảnh báo trên hệ thống để các Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm (nếu có).
“Trường hợp phát hiện có hiện tượng, dấu hiệu tác động vào dữ liệu, thiết bị DAT để gian lận trong dạy thực hành lái xe ô-tô, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chủ động chuyển thông tin cho Cơ quan Công an xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thống khẳng định.