COP16, diễn ra từ ngày 21/10, là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá tình hình thực tế và thúc đẩy việc thực hiện các cam kết bảo vệ đa dạng sinh học đã được đưa ra tại Hội nghị Montreal năm 2022. Theo đó, 196 quốc gia đã ký một hiệp ước lịch sử, đặt mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đất và biển vào năm 2030.
Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy), số lượng và phân bố của các loài đang giảm sút đáng kể. Cụ thể, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chỉ ra thế giới đang phải trải qua tổn thất lớn nhất kể từ thời khủng long, với khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Trong khi đó, báo cáo hai năm một lần Living Planet của Tổ chức Hoang dã thế giới (WWF) và Hiệp hội Động vật học London công bố trong tháng này chỉ ra rằng quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm trung bình 73% trong 50 năm. Báo cáo cho biết khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận mức giảm trung bình 95% về số lượng động vật hoang dã. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do hoạt động của con người như phá rừng, săn bắn, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Rừng Amazon, lá phổi xanh của Trái đất, đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Việc mở rộng diện tích canh tác, xây dựng đường sá, cháy rừng và hạn hán đã đẩy nhiều loài động thực vật đến bờ vực tuyệt chủng.
Bà Laura Rico, Giám đốc chiến dịch tại Avaaz, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động toàn cầu, bày tỏ hi vọng COP16 sẽ là cơ hội để các quốc gia bắt tay vào hành động và tập trung vào các cơ chế thực hiện, giám sát và tuân thủ, sau đó được ứng dụng phát triển tại các quốc gia cũng như kế hoạch quốc gia của các nước.
Về giải pháp, các chuyên gia cho rằng người bản địa đang ở tuyến đầu trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu bởi họ là người đã chăm sóc đất đai, chữa lành đất đai thông qua hệ thống quản lý, hệ thống chăm sóc và lối sống.
Là nước chủ nhà của COP16, Colombia đã cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Bộ trưởng Môi trường Colombia, bà Susana Muhamad, nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự phát triển bền vững và khẳng định rằng bảo vệ đa dạng sinh học không hề mâu thuẫn với phát triển kinh tế.