Con ma rừng

LCĐT - Nó sinh ra và lớn lên trong gia đình người dân tộc Mông ở thôn Lao Pao Chải. Nhà nó ở bên vách núi đá cao chót vót ngay sát đường biên giới Việt - Trung. Tuổi thơ của nó cũng như bao đứa trẻ vùng cao không biết gì đến sách vở học hành, ngày lại ngày chỉ làm bạn với núi rừng, cùng với con trâu leo trèo trên nương.

Nó cậy là con nhà giàu nhất thôn, nhất xã được truyền nối từ đời này qua đời khác. Đi đâu mặt nó cũng vênh vác coi khinh nhà nghèo. Bọn trẻ trong thôn, trong xã không đứa nào thích chơi cùng, bởi nó có tính nghịch ngợm trái khoáy theo kiểu độc ác. Nó là con thứ 3 trong gia đình bố mẹ sinh hạ 4 người con, trên có 2 chị gái, dưới là em trai. Ngày nó mới lên năm, lên bảy tuổi cũng biết vâng lời chỉ bảo của người lớn trong gia đình. Bắt đầu từ khi lên chín, lên mười tuổi thì nó bộc lộ cá tính ngang ngược với mọi người xung quanh. Ông nội và bố mẹ nó bất lực không dạy bảo được khi thấy cu cậu nghịch ngợm ma mãnh đánh chửi đám trẻ và xấc xược với người lớn tuổi.

Năm lên mười ba tuổi, nó bị một trận ốm rất nặng làm cả nhà hốt hoảng. Ông nội và bố nó phải qua bên kia biên giới bốc thuốc và mời thầy cúng cao tay xem quẻ, lấy bùa. Thầy cúng cho bùa vào túi vải nhỏ màu nâu đất hình vuông rồi dặn phải đeo vào cổ nó cho đến già thì sẽ tránh được mọi bệnh tật, ma tà. Bố nó móc túi lấy năm đồng bạc trắng đặt vào đĩa tạ lễ và nói lời cảm ơn thầy cúng. Ông thầy cúng ngoại quốc cao tay nói rằng: “Thằng này sinh năm Kỷ Dậu (1909), nằm ở cung Khôn, mạng Đại trạch thổ (đất nhà lớn) là rất đẹp nhưng đẻ vào ngày Ngọ, lại dính cả giờ Ngọ nên rất xấu… Vải túi bùa màu nâu đất mới hợp với mạng thổ. Nếu sau này bị rách túi bùa cũng phải thay đúng màu này. Đây là bùa thiêng được tẩm cao ngọc chuối. Không phải lúc nào cũng có, lần này nhà mình gặp may mới được hưởng lộc. Ngọc chuối mọc ra từ cây chuối, khoảng nghìn năm mới có một quả. Người ta phải trèo đèo lội suối, vượt nhiều thác ghềnh hiểm nguy đến nơi xa nhất, thung sâu nhất mới kiếm được. Nếu gia đình trả lễ từng này sẽ mất thiêng, ít nhất cũng phải gấp đôi...”.

Từ đó người ta nhìn thấy ở cổ nó đeo chiếc vòng bạc to đoành buộc treo lủng lẳng túi bùa màu nâu đất. Cả nhà nó tin túi bùa là báu vật thiêng. Không biết bùa thiêng đến mức nào mà sau trận ốm “thập tử nhất sinh” ấy, nó khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi, biết cưỡi ngựa, biết cả bắn nỏ, biết thổi bài khèn tiễn biệt người đi xa. Lớn thêm tý nữa nó biết theo đám trai bản xuống chợ phiên Pha Long, Mường Khương hoặc sang tận chợ phiên huyện Si Ma Cai để thổi sáo Mông, thổi kèn lá gọi bạn gái rồi kéo về làm vợ. Năm nó bước vào tuổi mười bảy trông dáng vóc cao to, sáng láng hơn những chàng trai cùng trang lứa trên quê hương Lao Pao Chải, thuộc xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Nhiều người khen nó khỏe như con ngựa đực mới lớn, giọng nói ồm vang, chân đi khệnh khạng trông có vẻ oai phong. Đùng một cái, khi mới bước vào tuổi mười tám, nó đã đòi bố mẹ lo cưới vợ một lúc mấy cô gái. Biết chuyện này, ông nội nó lại chửi vì phong tục, tập quán của người Mông chưa có ai cưới hỏi kiểu như thế bao giờ. Cuối cùng thì tính ngang ngược của nó đã ép buộc bố mẹ cưới bằng được một lúc 3 người vợ.

Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).
Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái).

… Cả thôn, cả xã không ai nhớ rõ là năm nào, từ thời Tây chiếm đóng cả vùng rừng núi Lào Cai. Dân bản thôn Lao Pao Chải truyền tin rằng nó đã rủ rê một số thanh niên trai tráng trên vùng núi cao bỏ nhà để đi lính cho quân đội Pháp. Mấy năm sau thấy nó trở về thăm nhà, gặp ai cũng ra oai ta đây được quân đội Pháp cho đi học hết lớp 3, được huấn luyện cưỡi ngựa trên địa hình phức tạp; được sử dụng súng tiểu liên, trung liên, ném lựu đạn, bắn súng lục hai tay. Còn chuyện tên gọi, nó bảo ngày đầu đi lính cũng khai với bọn quan Pháp là Lồ. Trước mặt nhiều người nó khoe tấm thẻ lính do quân đội Pháp cấp cho nó mang đầy đủ họ tên Chấu Quáng Lồ.

Nó lại khoe với mọi người vừa có lá bùa mới toanh bọc trong túi vải đỏ thay cho lá bùa cũ rích bọc vải nâu đất xấu xí. Thằng Lồ đeo lá bùa đỏ choét vắt chéo ngang qua ngực trái rồi khoác lác rằng đây là của quý đặc biệt từ thần y người Pháp ban phát cho. Quan thầy thần y bảo lá bùa thiêng chỉ đeo vào ngực trái cho ai tuyệt đối trung thành với mẫu quốc. Màu đỏ là màu bách chiến, bách thắng, rất hợp với tuổi Kỷ Dậu, mạng thổ. Nó nâng túi bùa lên ngang mồm hôn gió đánh chụt mấy cái liền. Nó cười khoái chí, nói năng cợt nhả trước mặt mọi người cùng đám lính bậu xậu rằng:

- Tao có lá bùa này, đứa nào bắn tên vào đây thì trượt đi chỗ khác. Đứa nào bắn viên đạn vào đây cũng trượt, làm sao mà thủng xuyên vào ngực tao được… Bây giờ tao có bùa thiêng, có quyền lực làm sếp, có nhiều bạc trắng. Cả vùng này sẽ không có ai bằng tao. Ai cũng phải chào tao là sếp Lồ! Ái dô, tao không bao giờ biết chết!

… Nhiều người dân trong vùng sợ sệt khi nhìn thấy thằng Lồ cùng một số tên lính từ đồn Pha Long về bản lùng sục. Trang phục trên người hắn với bộ quần áo lính Pháp màu vàng sậm, khẩu súng lục đeo trễ ngang hông. Thằng Lồ có dáng đi oai vệ, gặp ai cũng rút súng lên cầm tay vung vẩy, mồm phun ra những lời lẽ có nọc độc đe nẹt nhà nọ, nhà kia chưa nộp thuế. Thỉnh thoảng gặp người buôn bán qua biên giới về nó lại chặn đường cho lính trấn lột một cách công khai. Rồi một lần, bà con thôn Lao Pao Chải đi làm nương khi ngang qua nhà Lồ nhìn thấy một toán lính lố nhố trong sân, lại nghe ông nội nó to tiếng mắng chửi. Người ta dừng lại xem, được chứng kiến sự đổ bể tình cảm giữa ông nội với thằng Lồ đã lên đến đỉnh điểm. Ông nội khuyên ngăn nó không làm điều ác với mọi người, trong đó có gia đình, anh em dòng họ, thân tộc. Những lời giảng giải của ông nội, thằng Lồ đều bỏ ngoài tai, nó gân cổ cãi láo: “Tôi ác kệ tôi, không việc gì liên quan đến ông. Bây giờ tôi là sếp chỉ huy hàng trăm lính phỉ, ông phải nghe tôi chứ không phải tôi nghe ông. Tôi đang điên tiết với ông đấy”. Nói rồi Lồ hung hăng rút súng lục gí vào trán, vào mắt ông nội định bắn, mấy thằng lính sợ hãi phải van lạy: “Sếp Lồ không được bắn ông nội…”, nó mới buông tha. Ông nội nó vừa đi vào nhà vừa chửi: “Mày thành con ma rừng độc ác rồi Lồ ơi! Hôm nay mày gí súng vào mắt, vào mặt ông nội, người sinh ra bố đẻ mày. Sao mày không bắn cho tao chết đi. Tao còn mặt mũi nào mà nhìn anh em, bà con thôn bản… Rồi có ngày ông trời sẽ cho con ma rừng mù mắt”.

Những lời ông nội thằng Lồ mắng chửi không biết linh nghiệm đến đâu mà chỉ vài ngày sau đó, nó cùng mấy thằng lính đi đón đường trấn lột người buôn qua biên giới đã gặp chuyện không lành. Đang đi thì Lồ phát hiện thấy con chim cu đậu bên tảng đá trông ngon ăn quá, nó rút súng trổ tài trước mặt đàn em. Lồ bắn bòm một phát, con chim giật mình bay đi, đầu đạn trúng vào hòn đá bật ngược trở lại lao thẳng vào mắt trái của nó. Thằng Lồ ôm mặt rú lên vì đau đớn, mấy thằng lính vội khiêng nó lên đồn Pha Long xử lý vết thương. Vì đầu đạn bắn vào quá mạnh đã làm nát ổ mắt trái nên y tá đồn phải khoét bỏ để cứu mạng nó. Từ sau khi bị mù mắt trái, Chấu Quáng Lồ càng hung hăng, tham lam, độc ác với dân, với cả bọn binh lính dưới quyền của nó. Thằng Lồ không từ một thủ đoạn nào, miễn sao mọi người phải biết sợ nó. Tiền bạc, thóc, ngô, gái đẹp phải “biết chạy” về nhà nó càng nhiều càng tốt. Dân chúng phát hiện ra Lồ đã cướp thêm chín bà vợ của lính là những cô gái người Mông trẻ, xinh đẹp ở nhiều xã vùng cao. Bằng thủ đoạn thâm độc, Lồ vu khống những thằng lính này là do Việt Minh cài vào hàng ngũ phỉ. Thằng Lồ cho đàn em thân tín bí mật trừ khử rồi đổ vấy cho Việt Minh tiêu diệt về tội không trung thành với Tổ quốc. Giết chồng người ta xong, Lồ ép buộc họ làm vợ, nếu biết điều, ngoan ngoãn sẽ được nó chở che an toàn. Nếu không chịu làm vợ thì sẽ bắn bỏ vì gia đình có liên quan đến Việt Minh... Cũng vì thế mới thành chuyện Chấu Quáng Lồ có đến mười hai vợ.

… Đầu những năm 50, bọn phỉ nổi loạn khắp cả khu miền đông - bắc thuộc tỉnh Lào Cai. Các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà đều nằm trong vùng âm mưu “phỉ hóa toàn dân” của thực dân Pháp. Khu vực Pha Long có nhiều thanh niên trai tráng đi theo phỉ cầm súng chống lại Việt Minh. Nghe nói ở các xã Pha Long, Mường Khương và Tả Ngải Chồ quê hương của Chấu Quáng Lồ có đến mấy trăm người theo phỉ.

Cuối năm 1950, ta mở chiến dịch tiễu phỉ ở miền đông Lào Cai, ngày 11/11/1950, khu vực trung tâm huyện Mường Khương được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phỉ. Sau giải phóng Mường Khương, bọn phỉ do tên trùm Chấu Quáng Lồ và Pay Chồ chỉ huy đã tháo chạy co cụm về Pha Long cố thủ và phát triển thêm lực lượng. Bọn chúng hoạt động cầm chừng, trông ngóng vào chi viện của quân đội Pháp và chờ thời cơ làm phản loạn. Ta chủ trương một mặt thừa thắng tập trung lực lượng chủ lực cùng du kích quân xốc tới đột nhập sào huyệt bọn phỉ để tiến lên giải phóng Pha Long, mặt khác tìm cách lôi kéo Chấu Quáng Lồ đi theo Việt Minh để tránh một cuộc chiến đổ máu không cần thiết. Mấy lần ta chủ động cho liên lạc gặp Lồ đề nghị hòa đàm nhưng hắn không chịu hợp tác. Trước tình thế đó buộc quân ta phải tiến đánh giải phóng Pha Long vào ngày 3/7/1952.

Bị bại trận, Chấu Quáng Lồ và tàn quân phỉ tháo chạy vào rừng sâu, núi cao, hiểm trở dọc bờ sông Chảy thuộc các xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Thải Giàng Sán để ẩn náu. Nhiều trận chiến của bộ đội và du kích ta tấn công truy quét tàn quân phỉ diễn ra quyết liệt. Bọn phỉ cậy có vũ khí quân Pháp trang bị nên ngoan cố chống trả, gây nhiều thương vong cho ta. Đến cuối năm 1952, bộ đội ta nhận được tin báo của quần chúng cho biết bọn phỉ Chấu Quáng Lồ không còn sự tiếp tế của Pháp nên đã quay về ẩn náu trong hang đá Lao Pao Chải thuộc xã Tả Ngải Chồ. Bọn chúng gom hết vũ khí còn lại đưa vào hang quyết tử thủ với quân ta. Cuộc sống trong hang của bọn phỉ nhờ vào sự tiếp tế kín đáo theo lối mòn của người thân, gia đình và anh em họ hàng.

Bộ đội ta chia thành nhiều mũi tấn công bao vây và kêu gọi phỉ trong hang đầu hàng. Mặc dù bị bao vây nhưng Chấu Quáng Lồ vẫn dùng lời lẽ đáp lại rất ngoan cố, quyết chống lại đến cùng. Bọn chúng bất ngờ dùng hỏa lực bắn về phía các cửa hang hòng uy hiếp sự bao vây tấn công của ta. Bằng sự mưu trí và dũng cảm của bộ đội thuộc Trung đoàn 246, quân ta vừa nổ súng, vừa bí mật tiếp cận sào huyệt nơi Chấu Quáng Lồ và đồng bọn tử thủ. Phía các cửa hang, ta vẫn đánh lạc hướng bằng cách tiếp tục gọi hàng, bọn chúng vẫn ngoan cố dùng các loại vũ khí chống trả điên cuồng. Đơn vị tiếp cận mục tiêu trong hang buộc phải nổ súng tiêu diệt bọn lính phỉ do tên Chấu Quáng Lồ chỉ huy. Khoảng 4 giờ chiều ngày 28/12/1952, tiếng súng giao tranh chấm dứt, bộ đội ta từ các cửa hang xông vào phát hiện tên trùm Chấu Quáng Lồ cùng nhiều tên phỉ khác không còn sống sót. Khói đạn trong hang vẫn chưa tan hết, bộ đội ta nhìn thấy nơi tử thủ của tên Chấu Quáng Lồ và bọn lính phỉ ngã gục bên ổ súng trung liên. Nó chết mà trên mình còn mang khẩu súng tiểu liên, 3 băng đạn chưa kịp bắn, 3 quả lựu đạn phòng thủ, 1 khẩu súng lục đeo bên hông đạn đã lên nòng. Khám nghiệm thi thể của Chấu Quáng Lồ, bộ đội ta phát hiện điều rất kỳ lạ, hắn bị trúng nhiều phát đạn vào ngực trái. Lá bùa hộ mệnh bọc trong túi vải đỏ đeo trên ngực trái của hắn cũng bị trúng đạn rách bung bét, để lộ ra tấm kim loại dát mỏng rập hình lưỡi búa. Nhiều người cho rằng túi bùa vải đỏ là tiêu điểm ngắm của bộ đội ta khi tiêu diệt tên Chấu Quáng Lồ.

Hang đá Lao Pao Chải là nơi Lồ gắn bó tuổi thơ rủ bạn chăn trâu vào hang đánh trận giả, hắn làm chỉ huy một phe lúc nào cũng giành phần thắng. Trong trận chiến ác liệt bằng súng đạn thật lần này cũng diễn ra trong hang, Chấu Quáng Lồ cũng làm chỉ huy lực lượng tàn quân phỉ và kết cục là nó là kẻ bị tiêu diệt ở tuổi bốn mươi ba. Chấu Quáng Lồ bị tiêu diệt tại hang đá Lao Pao Chải, quân ta công khai loan tin khắp các thôn bản trong xã, nhiều nơi khác trong khu vực Pha Long và lan sang cả Si Ma Cai, Bắc Hà. Hồi âm theo chiều ngược lại, ta thu thập được phần đông người dân cho rằng đó là tin giả của bộ đội. Dân chúng khắp vùng non cao không tin Chấu Quáng Lồ bị bắn chết, bởi nó có lá bùa hộ mệnh đeo trên ngực trái không bao giờ bị ai bắn trúng. Tình thế bắt buộc ta phải đưa xác tên Châu Quáng Lồ về khu chợ Pha Long để mọi người đi ngang qua, về lại nhìn thấy nó đã chết.

Trong những ngày ấy, bộ đội ta đã tuyên truyền, giải thích cho bà con vùng cao về túi bùa hộ mệnh là âm mưu lừa bịp của bọn quan Tây và tên Chấu Quáng Lồ. Bên trong túi không có bùa nào cả mà chỉ là một miếng kim loại rất mỏng dập hình lưỡi búa bị thủng do trúng đạn. Mặt khác, ta vẫn tạo điều kiện để người nhà tên Lồ làm các thủ tục đối với người đã chết theo đúng phong tục, tập quán của người địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 24/4, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, Công ty Cổ phần Phim truyện I, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ Khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Từ “đốm lửa nhỏ”, thầy cô Trường Mầm non Nấm Lư (xã Nấm Lư, huyện Mường Khương) đã mời các nghệ nhân đến truyền dạy, thổi bùng “ngọn lửa” yêu thích dân ca Nùng Dín, để những mầm non tiếp nối, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống.

Độc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng Bỉ

Độc đáo phòng trưng bày cổ vật Việt Nam tại bảo tàng Bỉ

Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ (MRAH) là một điểm đến văn hóa hấp dẫn tại thủ đô Brussels. Nơi đây không chỉ lưu giữ kho tàng nghệ thuật và lịch sử phong phú của Bỉ mà còn trưng bày các hiện vật từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sức hút “Photo tour”

Sức hút “Photo tour”

Nhân dịp đón tuổi 25, Nguyễn Hoàng Linh (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) lựa chọn lên vùng cao Y Tý (Bát Xát) tham gia “Photo tour”, ghi lại kỷ niệm đẹp cho bản thân khi bước sang tuổi mới.

Bản anh hùng ca “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân”

Bản anh hùng ca “Võ Nguyên Giáp – Vị tướng của nhân dân”

Bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” của Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bằng tiếng Việt và 5 ngoại ngữ, là một bản anh hùng ca về vị Đại tướng có công lao, cống hiến xuất sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt trong Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những độc giả trung thành của sách giấy

Những độc giả trung thành của sách giấy

Trước sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ 4.0, việc sách điện tử ra đời đã đáp ứng nhu cầu đọc, tìm và nghiên cứu tài liệu nhanh, đơn giản cho độc giả. Tuy vậy, sách giấy vẫn có những ưu điểm riêng, giữ một lượng độc giả nhất định.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa năm 2024

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa năm 2024

Sáng 19/4, tại Trường THCS Kim Đồng (thị xã Sa Pa), Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin, Phòng Giáo dục và đào tạo, Thị đoàn Sa Pa tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc trong hệ thống thư viện, bảo tàng và nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024, với chủ đề “Sách và Khát vọng phát triển”.

fb yt zl tw