Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tại thị xã Sa Pa đã phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, với trị giá hàng hóa gần 24 triệu đồng; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 32 triệu đồng.
Ông Hoàng Duy Hải, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (phụ trách địa bàn thị xã Sa Pa) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, lực lượng đã tích cực vào cuộc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ phụ trách địa bàn.
Tại thị xã Sa Pa, qua kiểm tra, phát hiện hàng vi phạm sở hữu chủ yếu thuộc lĩnh vực thời trang; các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này thường theo mùa vụ và nhỏ lẻ, khiến công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm giả nhãn hiệu, nhãn mác gặp khó bởi phải căn cứ vào các cơ sở của quyền sở hữu thông tin.
Tại thành phố Lào Cai, từ năm 2023 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 1 đã xử lý 25 vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính gần 216 triệu đồng. Các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là giả mạo nhãn hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: Khó khăn chúng tôi gặp phải trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là các nhãn hàng, các chủ thể có quyền sở hữu không muốn tố cáo sản phẩm giả mạo, bởi sợ ảnh hưởng tới thương hiệu chính hãng; mức phạt đối với việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ rất cao, trong khi một số hộ vi phạm có quy mô kinh doanh nhỏ, lẻ nên gây khó trong việc xử phạt.
"Trước thực tế đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền và tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả nhãn hiệu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, đã có 2.864 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Lào Cai ký cam kết"- ông Nam chia sẻ.
Từ năm 2023 đến nay, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã xử lý 65 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và giả nhãn hiệu; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 723 triệu đồng.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian qua, công tác đấu tranh chống vi phạm sở hữu trí tuệ, giả nhãn hiệu còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Nguyên nhân do phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả của các đối tượng ngày càng phức tạp, tinh vi; nhận thức của cộng đồng về chống vi phạm sở hữu trí tuệ chưa được nâng cao; sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế; thiết bị, công cụ phục vụ công tác kiểm tra, phát hiện nhanh về hàng giả còn thiếu; trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của công chức thực thi nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả còn hạn chế.
Ông Nguyễn Quang Hiểu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hằng năm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn trong thực thi nhiệm vụ…
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ...