Chuyện về những “nữ triệu phú” người Dao ở thôn Ná Lùng

Trong 12 thôn, bản của xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, Ná Lùng có 100% hộ dân là đồng bào Dao tuyển sinh sống. Nhắc đến phụ nữ người Dao tuyển ở Ná Lùng, ai cũng tấm tắc khen vì sự chăm chỉ, chịu khó, năng động trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Những phụ nữ “dám nghĩ, dám làm”

Cuối tháng 10, tiết trời đã trở lạnh, những nương khoai môn trải rộng trên các vạt đồi thuộc thôn Ná Lùng đã héo lá, lụi dần, dưới gốc khoe ra củ to như cái bát ăn cơm. Tranh thủ ngày nắng, chị Phàn Thị Liên cùng gia đình lên nương thu hoạch khoai môn để bán cho thương lái.

1-4706-9506.jpg
3-4786-3129.jpg
Năm 2024, gia đình chị Phàn Thị Liên thu hoạch hơn 10 tấn củ khoai môn.

Khoe với chúng tôi những củ khoai môn to, có củ nặng tới 2 kg, chị Liên cho biết, năm 2023, gia đình trồng khoảng 1,5 ha khoai môn, thu hoạch được 12 tấn, bán được khoảng 200 triệu đồng. Năm nay, gia đình mở rộng diện tích trồng khoai môn lên 2ha. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây khoai môn phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Vụ khoai môn này, dự kiến gia đình thu hoạch khoảng 16 tấn củ, nếu đầu ra thuận lợi, giá bán ổn định, sẽ thu được gần 300 triệu đồng.

Trò chuyện với chị Liên, chúng tôi vô cùng nể phục bởi sự năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ trồng khoai môn, chị Liên còn trồng 5.000 cây quế, trong đó có khoảng 2.000 cây 10 năm tuổi đang cho thu hoạch. Ngoài ra mỗi năm gia đình chị thu hoạch gần 1 tấn thóc đặc sản Séng cù. Trước khi chuyển sang trồng cây khoai môn, gia đình chị Liên cũng có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng chuối và sắn. Vững vàng về kinh tế, chị Liên xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, đầu tư cho các con đi học để sau có tương lai tươi sáng.

Ở thôn Ná Lùng, chị Lý Thị Vân, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn cũng là điển hình trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện nay, gia đình chị Vân có khoảng 1 vạn cây quế, trên 2ha cây đàn hương và dổi. Được biết, cách đây 3 năm, gia đình chị Vân là một trong hai gia đình đầu tiên trong thôn Ná Lùng mạnh dạn đi học tập kinh nghiệm, đầu tư hơn 70 triệu đồng mua 600 cây đàn hương, 700 cây dổi về trồng. Cây đàn hương là loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao nhưng vốn đầu tư cao và khó chăm sóc nên trước đó ở Cốc Mỳ chưa ai trồng. Để thuần phục loài cây "khó tính" này, chị đã dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đồi cây đàn hương và cây dổi của gia đình chị Vân phát triển xanh tốt, khoảng 10 năm nữa sẽ cho thu hoạch.

5-1127-6574.jpg
z5962967350835-e860489921503a24ea5b010bfbbea027-8155-8750.jpg
Chị Lý Thị Vân mạnh dạn trồng thử nghiệm 600 cây đàn hương.

Chị Vân với tay bấm mấy ngọn đàn hương xanh non mơn mởn đưa cho tôi, tươi cười bảo: Nhà báo ăn thử đi, cây đàn hương này nhiều tác dụng lắm, cả rễ, thân, lá đều có giá trị kinh tế cao. Đây là loại cây dược liệu, lõi và rễ dùng để chiết xuất tinh dầu. Ngọn có thể nấu canh, ăn vị ngọt hơn cả rau ngót, lá đàn hương dùng để làm trà rất ngon. Nếu trồng thành công, tôi sẽ chia sẻ kỹ thuật để bà con cùng trồng để phát triển kinh tế gia đình.

Mặc dù cây đàn hương đang được gia đình chị Vân trồng thử nghiệm và 10 năm nữa mới có thể khẳng định được kết quả nhưng điều đáng nói là tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, sự năng động, mạnh dạn, tiên phong trong phát triển kinh tế của Bí thư Chi bộ Ná Lùng khiến nhiều người nể phục.

Tạo động lực giúp phụ nữ thoát nghèo

Thôn Ná Lùng có 112 hộ dân sinh sống, đều là đồng bào dân tộc Dao tuyển. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Dao tuyển thôn Ná Lùng rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm khoảng 80%.

6-9776-8892.jpg
Thôn Ná Lùng ngày càng khởi sắc.

Vậy nhưng, đến thôn Ná Lùng hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cùng với những hộ dân làm nhà ngay bên Tỉnh lộ 156 gần trung tâm xã Cốc Mỳ, thì nhiều hộ dân ở khu vực phía trong cũng xây dựng nhà ở khang trang. Những ngôi nhà 2 tầng, 3 tầng hiện đại, những biệt thự vườn rộng rãi ẩn hiện trong rừng cây xanh mướt.

Trong câu chuyện với chị Lý Thị Vân chúng tôi được biết, chị đã đảm nhiệm vai trò là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn từ năm 2012 đến nay. Hiểu được vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, chị đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ trong thôn mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.

Cách đây 12 năm, chuối mô là cây trồng mới, được nước bạn Trung Quốc thu mua quả với giá cao. Chị Vân tích cực cùng cán bộ vận động bà con trong thôn chuyển từ trồng ngô sang trồng cây chuối mô. Đến năm 2018, diện tích chuối của thôn Ná Lùng lên tới 50ha, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dần thoát nghèo.

7-1287-1707.jpg
Phụ nữ dân tộc Dao tuyển thôn Ná Lùng ngày càng năng động trong phát triển kinh tế gia đình.

Đến năm 2021, cây chuối bị sâu bệnh nhiều, giá trị kinh tế giảm, đầu ra không ổn định, nhiều hộ dân lo lắng vì chưa tìm ra loại cây trồng thay thế. Với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn, chị Vân đã tuyên truyền, vận động bà con trồng thử nghiệm cây khoai môn. Vụ thu hoạch khoai môn đầu tiên, bà con vỡ òa niềm vui vì củ khoai môn nào cũng chắc nịch, có củ nặng 3kg, đầu ra cũng thuận lợi. Giờ đây, củ khoai môn Cốc Mỳ được nhiều người ưa chuộng, mỗi ha đem lại 120 triệu đồng, gấp 6 lần trồng sắn.

Sau khi thử nghiệm thành công, người dân thôn Ná Lùng mạnh dạn biến những nương trồng sắn thành đồi khoai xanh tốt. Năm 2023, thôn Ná Lùng có 17ha cây khoai môn, đem lại nguồn thu 4,7 tỷ đồng. Năm 2024, cả thôn trồng hơn 30ha khoai môn, chiếm 90% tổng diện tích khoai môn của toàn xã, dự kiến thu 540 tấn củ, tính theo giá trung bình 15.000 đồng/1kg sẽ được trên 8 tỷ đồng. Đó là chưa kể bà con trong thôn còn bán giống cây khoai môn cho nhiều nơi, có thêm thu nhập.

2-9699-9674.jpg
Mô hình trồng cây khoai môn tại thôn Ná Lùng ngày càng được nhân rộng trên địa bàn xã Cốc Mỳ.

Cùng với trồng cây khoai môn, đến nay, Nhân dân thôn Ná Lùng còn trồng trên 100ha cây quế, hơn 50ha cây sắn, cấy 14ha lúa đặc sản Séng cù… Gia đình các chị Lý Thị Hoa, Phàn Thị Liên, Phàn Thị Hồng, Tẩn Thị Hoa, Phàn Thị Nhột… có thu nhập cả trăm triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Giờ đây, phụ nữ người Dao tuyển ở thôn Ná Lùng không chỉ khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn xây dựng gia đình thêm ấm no, hạnh phúc. Đa số hộ dân trong thôn đã xây được nhà khang trang; năm 2024, thôn giảm được 6 hộ nghèo, hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo.

8-4294-7464.jpg
Bí thư Chi bộ Lý Thị Vân (bên trái ảnh) tích cực xây dựng phong trào phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Lúc chia tay chúng tôi, chị Lý Thị Vân chia sẻ: Ná Lùng có hơn 100 hộ dân nhưng hôm nay gia đình này bán đồi quế được mấy trăm triệu, vườn khoai nhà ai bị sâu bệnh, đàn lợn nhà ai bỏ ăn, chữa bằng thuốc gì nhanh khỏi, tháng nào có lớp học kỹ thuật trồng quế, trồng khoai… thì ai cũng biết. Các bà, các chị gặp nhau đều chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng phát triển sản xuất. Nhà nào còn khó khăn thì nhà khác chung tay cùng giúp đỡ. Vì thế, Chi hội Phụ nữ thôn Ná Lùng trở thành điểm sáng trong phong trào phụ nữ đoàn kết hỗ trợ nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

San Lùng đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa

San Lùng đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa

Thôn San Lùng, xã Bản Vược (huyện Bát Xát) nằm trên núi cao, phần lớn là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đây cũng là thôn duy nhất của xã được hưởng lợi từ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Những hoạt động trong khuôn khổ dự án đã giúp người dân nơi đây nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại chợ phiên Nghĩa Đô, Vĩnh Yên

Bảo Yên: Truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại chợ phiên Nghĩa Đô, Vĩnh Yên

Ngày 16 - 17/11, Hội Phụ nữ huyện Bảo Yên tổ chức truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại chợ phiên Nghĩa Đô, Vĩnh Yên bằng hình thức sân khấu hóa. Đây là hoạt động thuộc Dự án 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” triển khai trên địa bàn.

Huyện Văn Bàn có 7 mô hình “Địa chỉ tin cậy”

Huyện Văn Bàn có 7 mô hình “Địa chỉ tin cậy”

Mô hình "Địa chỉ tin cậy" được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và thực hiện hiệu quả các nội dung thuộc Dự án 8 trong cộng đồng.

Giúp học sinh tự tin thể hiện bản thân

Giúp học sinh tự tin thể hiện bản thân

Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động (tháng 11/2022), Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi của Trường THCS và THPT Bắc Hà (tiền thân là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lùng Phình) đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhiều học sinh về những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em người dân tộc thiểu số. Đây cũng là 1 trong 2 mô hình điểm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thành lập và hoạt động Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trên toàn quốc.

Nhiều hoạt động thi đua nổi bật

Dự án 8 tại thị trấn Nông trường Phong Hải: Nhiều hoạt động thi đua nổi bật

Là địa phương đứng đầu huyện Bảo Thắng về số thôn, tổ dân phố triển khai Dự án 8  (5 thôn: Vi Mã, Ải Nam, Ải Dõng, Tòng Già, Quy Ke), thời gian qua, Hội Phụ nữ thị trấn Nông trường Phong Hải đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và đạt hiệu quả bước đầu, qua đó tác động tích cực đến các phong trào thi đua do hội phụ nữ các cấp phát động.

Phụ nữ Làng Chưng tự tin vượt qua định kiến

Phụ nữ Làng Chưng tự tin vượt qua định kiến

Làng Chưng là thôn duy nhất trên địa bàn xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng được hưởng lợi từ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Thôn có 52 hộ dân với trên 99% là đồng bào dân tộc Dao. Từng bước vượt qua định kiến về giới, phụ nữ thôn Làng Chưng đang nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Bắc Hà đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại chợ phiên

Bắc Hà đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại chợ phiên

“Đề nghị bà con hãy quan tâm, chăm lo hơn nữa đến con cháu trong gia đình; luôn đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn của những kẻ buôn người. Nếu bà con muốn tìm kiếm cơ hội việc làm có thu nhập tốt thì cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống như từ chính quyền và các hội đoàn thể tại địa phương, tránh rơi vào bẫy "việc nhẹ lương cao".

“Thay đổi cách nghĩ của phụ nữ Trịnh Tường”

“Thay đổi cách nghĩ của phụ nữ Trịnh Tường”

Đó là lời khẳng định của chị Vùi Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát khi được hỏi về hoạt động và hiệu quả của các tổ truyền thông cộng đồng trên địa bàn xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát) sau hơn 2 năm thành lập.

Tọa đàm: Gặp gỡ chủ mô hình sản xuất bánh chưng đen người Tày ở Văn Bàn

Tọa đàm: Gặp gỡ chủ mô hình sản xuất bánh chưng đen người Tày ở Văn Bàn

Chào đón quý vị đến với chuyên mục Vượt qua định kiến – nội dung nằm trong chương trình truyền thông về Dự án 8 của Báo Lào Cai. Khách mời trong chương trình hôm nay là chị Hoàng Thị Huế, một phụ nữ dân tộc Tày ở bản Mạ, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn. Câu chuyện của chị Huế có gì thú vị, mời quý vị cùng theo dõi qua cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Lào Cai với chị.

fbytzltw