Bát Xát là địa phương có số người nhiễm HIV cao, dịch bệnh HIV/AIDS có tại 18/21 xã, thị trấn. Tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn huyện có 296 trường hợp nhiễm HIV. Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện năm 1999 tại xã Tòng Sành, đến nay có 151 trường hợp tử vong do AIDS. Trong 10 tháng năm 2023, cơ quan y tế đã phát hiện thêm 10 ca mắc mới tại thị trấn Bát Xát và các xã: Nậm Pung, Y Tý, Quang Kim, Trịnh Tường, Mường Hum và Nậm Chạc.
Đối tượng lây nhiễm HIV ở Bát Xát chủ yếu là nam giới (chiếm tỷ lệ 80,4%), tập trung chủ yếu trong nhóm nghiện ma tuý (chiếm tỷ lệ 75%). Phần lớn người nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ, từ 20 - 39 tuổi (chiếm tỷ lệ 72,3% trong tổng số người nhiễm HIV).
Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Bát Xát được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến những hoạt động thiết thực, can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS đã được triển khai tại 17/21 xã, thị trấn với sự tham gia của 11 nhân viên tiếp cận cộng đồng. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, họ đã giúp 302 người tiêm chích ma túy được tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm sạch; cấp phát hơn 83.000 chiếc bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy; thu gom và tiêu huỷ 48.925 chiếc bơm kim tiêm và cấp phát hơn 5.000 bao cao su cho người có nguy cơ cao.
Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone được triển khai mở rộng tại Bệnh viện Đa khoa huyện, Phòng khám Đa khoa khu vực Trịnh Tường và Mường Hum cho 156 bệnh nhân. Hoạt động tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện cũng được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Trung tâm Y tế huyện thành lập nhóm tư vấn xét nghiệm lưu động trên địa bàn 21 xã, thị trấn; đã có 715 đối tượng có nguy cơ cao được test nhanh HIV; phát hiện và giới thiệu, chuyển gửi thành công 7 ca dương tính vào điều trị. 95 bệnh nhân được điều trị ARV, trong đó 100% bệnh nhân đang quản lý tại phòng khám ngoại trú đã tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Bát Xát gặp không ít khó khăn. Ông Trịnh Quang Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Bát Xát cho biết: Nhận thức của người nhiễm HIV về lợi ích của điều trị dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc ARV, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao còn nhiều hạn chế, do đó dù biết tình trạng nhiễm bệnh nhưng nhiều người vẫn chưa tham gia điều trị. Trên địa bàn huyện chỉ có 1 điểm điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa huyện, bởi vậy nhiều người nhiễm, đặc biệt là tại các xã vùng cao thường đăng ký và chỉ tham gia điều trị duy trì được một thời gian ngắn. Bệnh nhân điều trị methadone bỏ điều trị cũng có xu hướng gia tăng do sống xa cơ sở dịch vụ điều trị, không duy trì nhận thuốc hằng ngày. Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV vẫn tồn tại ở một số nơi, điều này làm cho người có hành vi nguy cơ cao không chủ động đi làm xét nghiệm HIV tự nguyện. Đối tượng nhiễm HIV là lao động tự do thường đi làm xa nhà nên rất khó khăn trong công tác tiếp cận, quản lý.
Trên địa bàn thị xã Sa Pa, hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cũng được đẩy mạnh. Đã có 195 người nghiện ma tuý và 15 trường hợp mại dâm được tiếp cận cộng đồng. Những nhân viên tiếp cận cộng đồng đã truyền thông về HIV/AIDS, cung cấp vật phẩm giảm tác hại như bao cao su, bơm kim tiêm, tư vấn xét nghiệm HIV, kết nối chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và hỗ trợ họ tuân thủ điều trị. Hoạt động xét nghiệm HIV được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa thị xã và Trung tâm Y tế. Trong tháng 10/2023 đã xét nghiệm sàng lọc cho 16 người nghiện chất ma tuý, 57 phụ nữ mang thai, 3 trường hợp hiến máu và 88 đối tượng khác.
Tại Lào Cai, người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/1996. Tính đến ngày 30/10/2023, toàn tỉnh có 3.358 người nhiễm HIV, trong đó 1.716 người hiện còn sống. 100% huyện, thị xã, thành phố và 87,5% số xã, phường có người nhiễm HIV. Trong đó, thành phố Lào Cai và các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát là những địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV cao.
Trong những năm gần đây, dịch bệnh HIV có xu hướng tăng nhẹ qua đường tình dục không an toàn, từ 23,8% (năm 2015) lên 29,65% (năm 2023), lứa tuổi thanh niên (từ 16 - 29 tuổi) chiếm 44,14%. Dịch bệnh HIV gia tăng nhiễm mới trong nhóm thanh thiếu niên trong khi kiến thức, thái độ của nhóm này về HIV/AIDS rất hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai.
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành y tế tỉnh đã nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các dịch vụ về HIV/AIDS từ can thiệp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, hơn 1.400 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị thay thế bằng thuốc methadone. Mỗi năm có hơn 3.000 người được xét nghiệm, hàng chục nghìn lượt người được tiếp cận truyền thông, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm... Tỉnh Lào Cai cũng đã thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm hiểm y tế.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, chiến dịch tuyên truyền được đẩy mạnh trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2023. Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai tháng hành động với nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức đồng bộ tại các xã, phường, thị trấn. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS qua biên giới có sự phối hợp giữa trung tâm y tế với các đồn biên phòng; tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện trực tiếp với cá nhân, thảo luận nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao… Các đơn vị y tế cũng tăng cường truyền thông trên mạng xã hội, đặc biệt là truyền thông vận động chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhất là với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV.
Khi không hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, không thực hiện các hành vi an toàn, bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS. Chính vì vậy, chung tay phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và của cả cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS triển khai mô hình tự xét nghiệm HIV thông qua hình thức cung cấp kit tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng qua ứng dụng trực tuyến. Dự án cung cấp kit tự xét nghiệm miễn phí cho khách hàng từ 15 tuổi trở lên.