Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 82,5 nghìn người cao tuổi; trong đó, hơn 71 nghìn người cao tuổi từ 60 - 79 tuổi, còn lại là từ 80 tuổi trở lên. Toàn tỉnh có trên 66,7 nghìn người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (đạt 80,8%).
Cũng như các tỉnh khác trong cả nước, Lào Cai đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, tỷ lệ người già đạt gần 9% so tổng dân số trong tỉnh. Với tốc độ người cao tuổi ngày càng gia tăng, Lào Cai chắc chắn phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, có đến 75% người cao tuổi sống ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn, phần lớn là lao động nông nghiệp, không có kinh tế tích lũy, phải sống dựa vào con cháu.
Nhằm giảm gánh nặng bệnh tật ở các nhóm đối tượng này và phát huy được vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng; trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hướng đến người cao tuổi. Bước đầu các hoạt động này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Theo Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đinh Văn Thơ, với mục tiêu chung là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi; thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025. Theo đó, các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh đã chủ động cụ thể hóa bằng các hoạt động cụ thể phù hợp với thực tế ở cơ sở.
Bên cạnh đó, để già hóa không phải là gánh nặng mà thực sự là thành tựu của người cao tuổi, tỉnh Lào Cai đã tập trung thực hiện các chính sách, chế độ dành cho người cao tuổi như: thành lập, kiện toàn hội người cao tuổi các cấp, xây dựng các câu lạc bộ của người cao tuổi, câu lạc bộ dưỡng sinh, khu vui chơi…
Bác sĩ Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong những năm qua, hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh Lào Cai được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất. Hiện nay, 90% tổng số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và 100% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh có khoa lão khoa.
Đặc biệt, để người cao tuổi đang sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được đảm bảo chăm sóc sức khỏe, thông qua việc triển khai Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; chỉ tính riêng 6 tháng năm 2024, ngành y tế tỉnh đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ, khám sức khỏe, khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại 66 xã/138 xã cho hơn 9,2 nghìn người cao tuổi.
Đồng thời, ngành y tế đã tích cực triển khai việc khám - chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi khuyết tật, cô đơn không thể đến cơ sở khám chữa bệnh. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý và khám sức khỏe cho gần 63 nghìn người cao tuổi (trong đó, huyện Bát Xát đạt tỷ lệ cao nhất 100%); 100% người cao tuổi khi ốm đau được khám, chữa bệnh và được hưởng chăm sóc của gia đình, cộng đồng. Nhiều hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho người cao tuổi từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Lào Cai.
Theo Trưởng ban Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Hà Thị Thiệp, để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Hội Người cao tuổi tỉnh đã phối hợp với ngành y tế tỉnh triển khai thực hiện mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng lồng ghép sinh hoạt vào câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại 112 câu lạc bộ tại các địa phương trong tỉnh. Hằng năm, người cao tuổi trong tỉnh được hỗ trợ các hoạt động thăm khám, phát thuốc miễn phí; mổ đục thủy tinh thể, lông quặm… Chỉ trong 6 tháng năm 2024, đã có trên 23,6 nghìn người cao tuổi được khám sức khỏe, phát hiện, quản lý điều trị bệnh; có 422 người cao tuổi cô đơn, bệnh nặng được khám sức khỏe tại nhà.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ cho người cao tuổi được tổ chức thường xuyên, tạo thành phong trào rộng khắp trong cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có hơn 180 câu lạc bộ bao gồm: thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, khiêu vũ, thơ, văn nghệ… hoạt động thường xuyên, thu hút hàng chục nghìn người cao tuổi tham gia sinh hoạt, giúp nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần.
Sự quan tâm, chăm lo kịp thời về sức khỏe đối với người cao tuổi không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống, tuổi thọ, mà còn tạo động lực quan trọng để người cao tuổi phát huy vai trò của mình trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo.