Là địa phương có diện tích đất đồi núi lớn, tuy nhiên, việc phát triển kinh tế rừng tại Mường Khương chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 7.300 ha rừng trồng sản xuất, diện tích đất trống còn hơn 10.700 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 44%. Năm 2024, huyện Mường Khương xây dựng kế hoạch trồng mới 300 ha rừng. Ngay từ cuối năm 2023, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền người dân về hiệu quả lâu dài của trồng rừng sản xuất, khuyến khích các hộ chủ động trồng rừng, đồng thời tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh cây giống tại vườn ươm, đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chất lượng phục vụ trồng rừng. Tổ chức tuyên truyền để người dân lựa chọn cây giống lâm nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, có năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích ứng các điều kiện bất lợi của thời tiết.
Ông Đoàn Doanh Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cho biết: Đơn vị phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, rà soát diện tích đất trồng rừng, hướng dẫn người dân lựa chọn các giống cây lâm nghiệp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để đưa vào trồng. Để việc trồng rừng đạt hiệu quả cao, đơn vị phân công kiểm lâm địa bàn đến từng xã hướng dẫn các hộ kỹ thuật trồng và chăm sóc đối với từng loại giống cây lâm nghiệp.
Bảo Yên là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn của tỉnh, đạt 62,2%. Hiện toàn huyện có hơn 51.600 ha rừng, trong đó rừng sản xuất chiếm gần 70%. Những năm gần đây, trồng rừng đã giúp người dân trên địa bàn có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững. Riêng năm 2023, huyện trồng mới gần 1.100 ha rừng, vượt 35% so với kế hoạch năm. Chuẩn bị cho niên vụ trồng rừng mới, thời gian này, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống, nhân lực. Trên địa bàn hiện có 23 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Hiện các cơ sở đã gieo ươm hơn 25 triệu cây giống phục vụ trồng rừng.
Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Kinh nghiệm cho thấy, vụ xuân có mưa nhiều, đất ẩm, là thời điểm trồng rừng tốt nhất. Vì vậy, đơn vị chỉ đạo các vườn ươm trên địa bàn chủ động kế hoạch gieo ươm cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng vụ xuân của người dân, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát diện tích đất trống, xác định những diện tích rừng đến tuổi thu hoạch để khai thác và trồng lại.
Kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh trồng mới 1.700 rừng sản xuất, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 2.763 ha (trong đó khoanh nuôi mới 190 ha), bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,2%. Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền cơ sở, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Năm 2023, toàn tỉnh đã trồng hơn 5.100 ha rừng, trong đó trồng rừng sản xuất hơn 3.900 ha (vượt 32,4% kế hoạch), trồng rừng thay thế hơn 38 ha, trồng lại rừng hơn 1.100 ha. Đây là kết quả quan trọng, là tiền đề để công tác trồng rừng năm nay đạt hiệu quả cao.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân rà soát diện tích đất trống trồng rừng, trồng cây phân tán, đồng thời tổ chức bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, đặc biệt là cây quế theo hướng hữu cơ. Tăng cường quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị được khoảng 40 triệu cây giống (quế, lát hoa, thông mã vĩ, sa mộc…), đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân vụ xuân - hè.
Chi cục cũng phối hợp với các địa phương tuyên truyền các cơ sở sản xuất cây giống chú trọng kỹ thuật gieo ươm, phòng bệnh cho cây giống; khuyến cáo người dân lựa chọn cây giống tại các cơ sở uy tín. Các hộ nên trồng rừng hỗn giao hoặc luân kỳ để cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, góp phần phát triển kinh tế rừng bền vững.