Tuyến tàu hứa hẹn đem lại hành trình ấn tượng cho người dân, du khách. Ảnh tư liệu: Văn Dũng/TTXVN
Theo đó, hai bên thống nhất sẽ khai trương tuyến tàu mang tên "Kết nối di sản miền Trung" tại ga Huế (thành phố Huế) vào cuối tháng 3/2024, nhân dịp Ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và Ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024).
Tuyến tàu hứa hẹn đem lại hành trình ấn tượng cho người dân, du khách khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên trên cung đường qua đèo Hải Vân, một trong 10 cung đường đẹp nhất thế giới.
Mỗi ngày, sẽ có hai đôi tàu du lịch có hành trình Huế - Đà Nẵng và ngược lại di chuyển trong các khung giờ của buổi sáng, chiều.
Các đoàn tàu do Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội trực tiếp quản lý và vận hành để khai thác kinh doanh, đồng thời kết hợp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành hai địa phương nhằm khai thác dịch vụ du lịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng thực hiện hoạt động hỗ trợ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội trong việc thực hiện các chính sách về kết nối giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, dịch vụ du lịch để thu hút lượng khách du lịch và nhân dân địa phương đi tàu bằng đường sắt.
Giá vé dự kiến là 150.000 đồng/vé, giảm 20% cho các đơn vị du lịch thuộc Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, đồng thời áp dụng vé tháng 900.000 đồng/vé và giảm giá cho các đối tượng chính sách.
Mỗi đoàn tàu có 7 toa, trong đó có 4 toa ghế mềm phục vụ 56 chỗ ngồi và 1 toa cộng đồng để hành khách có thể thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm... mang đặc trưng của Cố đô Huế nói riêng và miền Trung nói chung.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn cho biết, trong thời gian đầu, các đoàn tàu sẽ được bố trí khu vực biểu diễn âm nhạc của các nghệ sỹ violin, saxaphone tại toa cộng đồng. Các ghế ngồi và hệ thống buồng phòng vệ sinh được trang bị sạch sẽ, tiện lợi cho hành khách.
Đơn vị sẵn sàng hạ các đường dây thông tin dọc tuyến đường sắt từ ga Kim Liên (Đà Nẵng) đến phía Bắc đèo Hải Vân (Thừa Thiên - Huế) để du khách có thể dễ dàng nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên xung quanh.
Ông Trần Anh Tuấn mong muốn thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung quan tâm đảm bảo trật tự, sắp xếp lại các ki-ốt kinh doanh, bổ sung cẩm nang du lịch và bố trí thêm hệ thống đèn chiếu sáng tại Ga Huế. Đặc biệt, địa phương cần sớm xóa các lối đi tự mở băng qua đường sắt để đảm bảo an toàn cho người dân, vận tốc đoàn tàu đúng lịch trình và tạo ấn tượng tốt đối với du khách.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã truyền thông kết nối với nhiều đơn vị tổ chức tour và quảng bá hình ảnh tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng trên các nền tảng mạng xã hội. Một số ban, ngành địa phương mong muốn tuyến tàu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được giới thiệu sản phẩm; bố trí kho kí gởi hành lý và hướng đến sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, có lộ trình giảm nhựa trên các chuyến tàu. Bên cạnh đó, thành phố Huế xem xét bố trí thêm trạm xe đạp chia sẻ cộng đồng tại khu vực gần Ga Huế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho rằng, việc đưa vào khai thác tuyến tàu Huế - Đà Nẵng phục vụ du lịch không chỉ đem lại nhiều lựa chọn di chuyển cho người dân, du khách Cố đô Huế, mà còn tạo nên công ăn việc làm cho lao động địa phương. Tỉnh sẽ bố trí hệ thống chiếu sáng và cột phát wifi miễn phí tại Ga Huế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Huế làm việc trực tiếp với Ga Huế để xử lý tình trạng lấn chiếm, lập lại trật tự đô thị và vệ sinh môi trường nơi đây trước ngày 20/3. Thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc triển khai ra quân "Ngày Chủ nhật xanh" làm sạch hai bên tuyến đường sắt và vận động người dân sinh sống xung quanh trồng các đường hoa.
Ông Hoàng Hải Minh mong rằng tuyến tàu không chỉ dừng lại là dịch vụ vận tải hành khách, mà còn hướng tới xây dựng dịch vụ du lịch, kết nối du khách hiệu quả cho Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.